Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng bỏ qua tiềm năng của condotel

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căn hộ khách sạn (condotel) được xem là một mô hình BĐS phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sau sự "vỡ trận" của Cocobay Đà Nẵng, các chuyên gia cho rằng đây chỉ là một trường hợp cá biệt, không phải đại diện cho toàn thị trường. Do đó, sản phẩm condotel sẽ tiếp tục phát triển hơn cùng với tiềm năng du lịch của Việt Nam.

 Khu Vinpearl Condotel Empire Nha Trang. Ảnh: An Phong

Condotel cần được định danh
Theo số liệu được Bộ Xây dựng đưa ra, hiện có khoảng 148 dự án condotel đến từ 52 chủ đầu tư tại nhiều tỉnh thành ven biển khắp cả nước. Dự kiến trong giai đoạn 2017 – 2019 có khoảng 27.000 – 29.000 căn hộ được tung ra thị trường. Trong đó, condotel tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.
Thời điểm hiện tại, các dự án condotel đã mang lại những diện mạo mới cho quá trình phát triển du lịch tại các tỉnh, TP ven biển. Việc xây dựng hành lang pháp lý cho sản phẩm này là việc khó, nhưng không vì thế mà bỏ qua loại hình này do tính ưu việt của sản phẩm đã được chứng minh ở thị trường quốc tế.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam
Tại Diễn đàn “Hành lang pháp lý cho thị trường Condotel” diễn ra cuối tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư condotel sẽ có lợi cho nền kinh tế và thị trường BĐS, tạo sự đa dạng về các sản phẩm lưu trú. Với DN, đây là một kênh huy động vốn minh bạch, hợp pháp và hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường condotel đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn: Thứ nhất, việc cam kết lợi nhuận cao, nhưng sau 2 - 3 năm đi vào vận hành, bên cạnh các chủ đầu tư đang chật vật để duy trì việc chi trả cam kết lợi nhuận thì ở một số dự án đã xảy ra tình trạng "vỡ trận" như dự án Cocobay Đà Nẵng mới đây. Thứ hai, dòng sản phẩm này chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam thông tin, hiện nay, các vấn đề liên quan đến condotel chưa có văn bản nào hướng dẫn, điều chỉnh cụ thể và sản phẩm này cần phải được định danh rõ ràng. “Nhiều vướng mắc đối với mô hình condotel như việc áp dụng tính toán chỉ tiêu kiến trúc kỹ thuật công trình, chỉ tiêu dân số, việc mua bán – chuyển nhượng, bảo lãnh, cho thuê và đặc biệt là quy định bán cho người nước ngoài... cần được quy định cụ thể hơn” – ông Nam cho hay.
Hoàn thiện khung pháp lý
Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, các BĐS du lịch kiểu mới có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, động viên được toàn dân tham gia làm du lịch dựa trên tạo hiệu suất cao trong sử dụng BĐS của kinh tế chia sẻ. Cần chuyển từ tư duy kinh tế truyền thống sang tư duy kinh tế chia sẻ để sửa đổi pháp luật đất đai. Mục tiêu chính là kinh tế du lịch phải trở thành kinh tế mũi nhọn.
Về phía DN, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Vinhomes Trần Thị Mỹ Lộc cho biết, mấu chốt của vấn đề ở đây chính là cam kết lợi nhuận quá lớn, vượt quá khả năng vận hành và khai khác kinh doanh thực tế làm cơ sở cho việc thanh toán và chi trả cam kết của chủ đầu tư. “Trong trường hợp, nếu chủ đầu tư thuê đơn vị vận hành và quản lý, chủ đầu tư chỉ có thể chi trả 5 - 6% cho các khách hàng mua condotel. Trong trường hợp với các chủ đầu tư có năng lực kinh nghiệm, tự quản lý hệ thống kinh doanh và khách hàng sẵn có, dự án có nhiều lợi thế đặc biệt thì mức cam kết lợi nhuận 10% là hợp lý” – bà Lộc cho hay.
Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho condotel. Để sản phẩm này được phát triển đúng hướng, hơn lúc nào hết các bộ, ngành liên quan: Xây dựng, TN&MT, VHTT&DL… cần ngồi lại với nhau căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 11/2019 để tìm biện pháp tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường BĐS nói chung và condotel nói riêng theo nguyên tắc: Căn hộ condotel được xây dựng trên đất được quy hoạch là đất du lịch, dịch vụ, thương mại nghỉ dưỡng thì tuân theo luật du lịch để cho thuê có thời hạn. Trường hợp condotel xây dựng trên đất ở thì tuân theo Luật Nhà ở, tiêu chuẩn quy phạm về nhà ở để được cấp sổ đỏ vĩnh viễn.