Tuy nhiên, đi cùng với thay đổi này cũng không nên đánh đồng ý niệm tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng GDP. Thực tế, chỉ số GDP chỉ tính đến các đơn vị thường trú trên lãnh thổ Việt Nam. Còn cái mà một quốc gia thực sự được hưởng là tổng thu nhập quốc gia (GNI) và thu nhập quốc gia khả dụng (NDI). Trong niên giám của Tổng cục Thống kê hiện nay không chỉ công bố số liệu về GDP mà còn công bố cả về GNI, nhưng đáng tiếc là hầu như không có hoặc rất ít người sử dụng số liệu này trong các nghiên cứu hoặc báo cáo. Chỉ tiêu này phản ánh đúng và thực chất hơn cả giá trị mà đất nước được hưởng. Hiện nay, các đánh giá tình hình kinh tế thường được gắn chặt với chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Trong khi đó, GDP lại được cộng tất cả phần giá trị gia tăng của các ngành trong nền kinh tế và thuế nhập khẩu. Như vậy, có nghĩa một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trong một năm thì toàn bộ giá trị tăng thêm của họ trong năm đó sẽ được tính vào GDP của Việt Nam. Thực tế, DN đó ngay cả khi khai thác tài nguyên của Việt Nam, họ cũng sẽ chuyển lợi nhuận về nước nhưng khoản lợi nhuận đó lại được tính vào GDP của Việt Nam. Nên GDP không phản ánh đầy đủ bức tranh nền kinh tế. Cụ thể hơn, trong 4 "động cơ" tăng trưởng thì 3 "động cơ nội" gồm khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực DN tư nhân trong nước và nông nghiệp đang "trục trặc". Chỉ có một "động cơ ngoại" - khu vực DN FDI là đang "chạy tốt". Thực tế này có thể có lợi cho chỉ tiêu ít ý nghĩa là tăng trưởng GDP, nhưng nó làm cho tốc độ tăng trưởng của GNI ngày càng thấp hơn tăng trưởng GDP và góp phần làm mức độ "của để dành" trong nước ngày càng giảm, và nếu loại trừ kiều hối thì tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng trên dưới 20% GDP. GDP tăng trưởng nhưng nguồn lực của quốc gia đang bị ảnh hưởng xấu. Phải chăng đây là hậu quả của việc kêu gọi đầu tư FDI một cách quá thoải mái và không có định hướng? Chính vì thế, thay đổi cách tính GDP là cần thiết nhằm tạo sự thay đổi trong tư duy quản lý kinh tế, không chạy theo thành tích được xây dựng trên những số liệu ảo. Nhưng ở một khía cạnh khác, cũng không nên quá chú trọng đến chỉ tiêu GDP mà quên mất rằng, cái mà nền kinh tế Việt Nam được hưởng sau cùng là GNI.