Đụng đâu cũng thấy học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 3, Phòng CSGT đã mở chiến dịch xử lý cao điểm xử lý tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù đây là vấn đề không mới, thế nhưng chỉ sau 3 ngày thực hiện, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm.

Thản nhiên... vi phạm

Ngày 3/3, có mặt tại nút Đại Cồ Việt – Phố Huế, nơi Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội tiến hành làm nhiệm vụ, theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong 30 phút đã có hàng chục trường hợp vi phạm bị xử lý. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung vào các lỗi như điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm (MBH), đi sai làn đường, vượt đèn đỏ… Điều đáng nói, hầu hết các trường hợp khi bị kiểm tra, xử lý đều nhận thức được hành vi của mình là vi phạm luật giao thông  nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Đơn cử trường hợp của em Hoàng Minh Đức (SN 1999, học sinh trường THPT Đống Đa), mặc dù có đem theo MBH nhưng khi tham gia giao thông, em Đức và bạn ngồi sau vẫn thản nhiên đầu trần diễu phố. Khi bị kiểm tra, xử lý, em Đức cho biết, bình thường em vẫn đội MBH nhưng hôm nay bạn nhờ chở ra bến xe buýt, nghĩ là gần nên chủ quan không đội. Thế nhưng với các lỗi như không đội MBH, cố tình vi phạm, không có Chứng minh Nhân dân, các lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ chiếc xe máy điện của Đức và yêu cầu em gọi bố, mẹ lên làm việc.

Tương tự, tại nút Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh, trong sáng 3/3, Đội CSGT số 2, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng đã tiến hành xử lý hàng chục trường hợp học sinh, sinh viên, thậm chí là người nước ngoài vi phạm luật giao thông.

Cần sự vào cuộc của các nhà trường
Từ ngày 1 - 2/3, thực hiện kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về đội MBH, chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông và vi phạm dừng, đỗ sai quy định, lực lượng CSGT các quận, huyện đã xử lý 1.164 trường hợp vi phạm. Trong đó, xe khách 34 trường hợp; Xe tải 45 trường hợp; Xe con 96 trường hợp; xe taxi 53 trường hợp; Xe mô tô 917 trường hợp; xe máy điện 19 trường hợp.

Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT là việc làm thường xuyên và liên tục của các lực lượng chức năng và các nhà trường. Thế nhưng, đang tồn tại một thực tế khá đau lòng là, dù đã tuyên truyền, xử lý nhiều những ý thức chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ ở các em học sinh, sinh viên vẫn rất thấp.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Đức Huấn – Đội phó Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thừa nhận, mặc dù việc xử lý tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ là việc làm thường xuyên của lực lượng của CSGT, nhưng ở bất cứ thời điểm nào tình trạng trên vẫn không giảm. Theo Thiếu tá Nguyễn Đức Huấn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự thiếu quyết liệt của các bậc phụ huynh và các nhà trường. Do đó, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, Đội CSGT số 4 sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành các buổi phổ biến, tuyên truyền luật giao thông trong các nhà trường để các em hiểu và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật. Cùng với đó, lực lượng CSGT sẽ thống kê tên tuổi của các trường hợp vi phạm gửi về trường nơi các em đang theo học để đề nghị các nhà trường có biện pháp xử lý phù hợp.

Công tác xử lý tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông không phải là vấn đề mới của các lực lượng chức năng. Nhưng vì sự thiếu quyết liệt, thờ ơ, chủ quan của các nhà trường và bản thân các bậc phụ huynh khiến tình trạng vi phạm luôn là vấn đề nóng. Do đó, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các nhà trường và các bậc phụ huynh thì những nỗ lực của các lực lượng chức năng sẽ rơi vào tình trạng “muối bỏ bể”, và đồng nghĩa với đó là sức khỏe, tính mạng của các em học sinh sẽ tiếp tục bị thả nổi.