Đừng đẩy con vào “cuộc cạnh tranh”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh minh họa

“Chị đang không biết giải quyết chuyện của cu bé thế nào đây” - chị An băn khoăn. Trước ánh mắt ngạc nhiên của mọi người, chị kể: Hôm vừa qua nó lóng ngóng, làm đổ bình hoa, bị mẹ cháu mắng: “Mày là thằng hậu đậu, chẳng được việc gì cả”.
Ảnh minh họa
Kinhtedothi - Ảnh minh họa
Rồi cả bố nó và anh cháu cũng nói thêm vài câu, thế là cháu đã khóc và nói rằng: “Con không ở nhà được nữa, lúc nào con cũng bị mắng mỏ. Con muốn lên ở với bà ngoại”. “Cháu chưa đi, nhưng từ đó thái độ của cháu là lảng tránh bố mẹ, thu mình vào phòng, không giao tiếp với bất kỳ ai, lạ thật đấy” - chị bảo.

Có người bạn bật cười: “Lạ gì đâu. Chắc đấy không phải lần đầu tiên chị mắng cháu thế đúng không. Mà anh chị chắc liên tục đưa hai anh em ra so sánh và chê bai cháu bé. Em mà như cháu bé, em cũng muốn “trốn chạy” khỏi những người không coi trọng mình”. Nghe nói thế chị ớ ra và bảo “thì so sánh thế để chúng ganh đua mà tiến bộ lên cho hoàn hảo bằng anh trai mà, không đúng sao”.

Thực tế, trường hợp chị An có lẽ không phải là cá biệt. Người lớn vẫn có thói quen lấy tấm gương của người anh, người em hoàn hảo ra để so sánh, khích bác đứa con khác, với suy nghĩ con thấy ngượng mà cố gắng vươn lên. Nhưng vô tình bố mẹ đã làm tổn thương đứa con “chưa được như ý”, đẩy anh chị em vào một sự “cạnh tranh” và “ganh ghét” lẫn nhau. Người xưa có câu: “Mười ngón tay có ngón dài ngón ngắn”, anh em trong nhà cũng có đứa nọ, đứa kia. Nếu cứ đòi hỏi đứa nào cũng hoàn hảo như nhau, tỏ ra đối xử phân biệt, đứa con “chưa hoàn hảo” sẽ nghĩ rằng mình bị ghét bỏ, không được yêu thương. Người bạn khuyên chị An: “Anh chị nên thay đổi lại cách đối xử với cháu đi, hãy chấp nhận nó như nó vốn có. Việc cháu chưa khéo léo trong cách cư xử hay trong công việc nhà, chị phải tìm lý do và hướng dẫn, uốn nắn dần dần. Em nghĩ, trước mắt, anh chị nên nói  lời xin lỗi con khi nhận ra mình không đúng. Hãy chỉ cho cháu thấy rằng vì yêu thương mà anh chị muốn con trở nên hoàn hảo, cũng là mong sau này cháu có cuộc sống  hạnh phúc. Hãy chỉ cho cháu thấy cháu có bao nhiêu là điểm tốt như học giỏi, ngoan ngoãn khiến bố mẹ vui lòng. Còn một vài điều chưa được ưng ý có lẽ là do con chưa chú ý, chưa thật sự cố gắng, nhưng bố mẹ tin rằng con khắc phục được dần dần”. Ngẫm nghĩ một hồi, chị An bảo: “Đúng thật, chị đã quên đặt mình vào tâm lý của con, có lẽ anh chị đã chưa có thái độ đúng thật!”.