Theo ông Đào Tuấn Đạt - Quản lý trường THPT Anhxtanh, hiện nay, điều kiện học tập ở TP và nông thôn không chênh nhau nhiều, nên phải tính lại cộng điểm ưu tiên nhằm bảo đảm công bằng giữa học sinh (HS) các vùng miền.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của ông Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp đề nghị duy trì mức điểm ưu tiên 3,5: “Tôi đã từng nhiều lần đi thực tế ở vùng núi cao, và thấy rõ điều kiện dạy - học ở đó rất khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, mức điểm ưu tiên tối đa 3,5 cho con em gia đình chính sách, sống ở vùng sâu, vùng xa là hoàn toàn xứng đáng”.Nhiều năm làm công tác tuyển sinh ĐH, Trưởng khoa Sau ĐH, Học viện Ngân hàng Trần Mạnh Dũng cũng đồng tình với việc tiếp tục thực hiện chính sách cộng điểm ưu tiên 3,5 điểm như hiện nay. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, nên tách riêng chỉ tiêu tuyển đối tượng ưu tiên: “Tôi tin, một HS vùng Mù Căng Chải thi đạt 18 điểm có năng lực tư duy không kém học sinh ở Hà Nội đạt điểm 20” - ông Dũng nói.Có thể nói, việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, điều mà mọi người băn khoăn đó là kể từ khi Bộ GD&ĐT thực hiện đổi mới giáo dục, cách thi và đề thi đã cải tiến nhưng mức điểm cộng ưu tiên chưa thay đổi. Theo Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội Đỗ Hồng Cường, nếu giữ nguyên cộng điểm ưu tiên như hiện nay sẽ không ổn, đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa. Các em HS vùng sâu, vùng xa có được kết quả tốt một phần là do học trên mạng với thầy cô nơi có điều kiện. Hơn nữa, cách ra đề thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT bám sát chương trình THPT, chỉ cần HS nắm tốt kiến thức làm bài sẽ đạt điểm cao. “Tôi không quan tâm đến việc cộng 1, 2 hay 3 điểm là cao hay thấp. Quan trọng là việc cộng điểm ưu tiên cho các em ở vùng điều kiện khó khăn phải chính xác” - thầy Cường nhấn mạnh.Còn nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Lê Viết Khuyến đề nghị tính toán lại cho hợp lý, nghiên cứu kỹ vùng miền thay vì thực hiện đồng loạt. Theo ông Khuyến, có thể ưu tiên cho HS vùng sâu, vùng xa bằng nhiều cách. Chẳng hạn, những trường ĐH có ngành “hot” (y, công an, quân đội...) thực hiện sơ tuyển lấy số lượng cao gấp nhiều lần chỉ tiêu. Thí sinh có điểm ưu tiên sẽ được cộng trong lần sơ tuyển nhưng khi vào chung tuyển thì mọi người đều phải công bằng như nhau. Cũng có những ý kiến đề nghị đào tạo cử tuyển thay vì cộng điểm ưu tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục phản đối bởi trước đây, chính sách này đã có những thất bại. “Cử tuyển là tốt nhưng phải gắn liền với sử dụng. Hiện nay, chúng ta chỉ có cử nhưng không tuyển”- ông Khuyến nhận định.Mặc dù đến nay, Bộ GD&ĐT chưa "chốt" việc cộng điểm ưu tiên cho mùa tuyển sinh tới, nhưng nhiều người kỳ vọng, Bộ sẽ có phương án hợp lý, công bằng, vừa đảm bảo việc khuyến học đối với HS gia đình chính sách và các vùng miền, vừa không để những trường hợp ở TP điểm cao vẫn trượt đại học trong ấm ức.