Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để cơ thể quá gầy

An Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trường hợp một người mẫu quá gầy xuất hiện trong chương trình truyền hình trực tiếp Vietnam,s Next Top Model mới đây làm dấy lên một cuộc tranh cãi về khái niệm xấu - đẹp - béo - gầy.

Ở góc nhìn khoa học sức khỏe, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng khẳng định, người gầy có nhiều nguy cơ về sức khỏe, tử vong cao hơn nhiều so với người béo.
Là một chuyên gia dinh dưỡng, ông có thể cho biết cân nặng thế nào là đạt chuẩn? Một người quá gầy liệu có gặp những vấn đề về sức khỏe?

- Chỉ số cơ thể của con người theo công thức mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa là chỉ số khối lượng cơ thể BMI. Chỉ số này được tính bằng khối lượng cơ thể (kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng m). Cụ thể, chỉ số BMI chuẩn của người châu Á là BMI < 18,5 là gầy; BMI từ 18,5 - 22,9 là bình thường; chỉ số BMI bằng 23 hoặc lớn hơn là thừa cân, béo phì. Nếu một người nào đó có chỉ số BMI dưới 16 được coi là thiếu năng lượng trường diễn.

Việc BMI quá thấp, sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng vận động, rụng tóc, da khô, hoặc gặp các vấn đề răng miệng; bên cạnh đó, người thiếu cân còn ảnh hưởng đến nhiều chức năng như tim mạch, sinh sản, miễn dịch. Chưa kể, nguy cơ tử vong do cơ thể quá gầy còn cao hơn so với người béo phì. Do vậy, theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia y tế trên toàn cầu, chỉ số BMI của người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) nên ở mức từ 16 trở lên.

Ông có thể lý giải rõ hơn vì sao người gầy lại có nguy cơ tử vong cao hơn so với người béo bởi lâu nay chúng ta vẫn quan niệm rằng, người béo dễ gặp các vấn đề sức khỏe như tim mạch, huyết áp?

- Theo một nghiên cứu của WHO, nhẹ cân có liên quan đến việc tăng 140% nguy cơ tử vong sớm ở nam giới và tăng 100% nguy cơ tử vong sớm ở nữ giới. Ở cả hai giới nhẹ cân sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng tim mạch. Bên cạnh đó, những người nhẹ cân cũng có nguy cơ mắc chứng teo cơ liên quan đến tuổi và có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn. Ngoài ra, một nghiên cứu mới đây đã phát hiện mối liên quan giữa sự gia tăng bệnh nhiễm trùng với những người thiếu cân.

Người mẫu gầy Cao Ngân tại đêm chung kết Vietnam's Next Top Model 2017.       Ảnh: Zing.vn

Với nữ giới, nhẹ cân làm ảnh hưởng rất lớn tới chức năng sinh sản, khiến buồng trứng ngừng hoạt động sớm, có thể dẫn tới mãn kinh sớm. Chưa kể, một số nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành khảo sát mật độ xương ở 1.767 phụ nữ tiền mãn kinh, 24% phụ nữ có chỉ số BMI từ 18,5 trở xuống có mật độ xương thấp. Trong khi chỉ có 9,4% phụ nữ có chỉ số BMI cao hơn 18,5 có mật độ xương thấp. Từ kết quả nêu trên, các nhà khoa học khẳng định có mối tương quan giữa loãng xương và thiếu cân.

Vậy theo ông, dấu hiệu nào để nhận biết một người thiếu cân đang gặp nguy cơ về sức khỏe? Và làm sao để duy trì cân nặng một cách lý tưởng nhằm đảm bảo sức khỏe?

- Những đối tượng người trưởng thành có nguy cơ thiếu cân cao bao gồm những người mắc các bệnh mãn tính, kém hấp thu, chế độ ăn kiêng hoặc chế độ ăn không đảm bảo về số lượng và chất lượng, những người mẫu diễn viên vì yêu cầu công việc luôn phải duy trì cân nặng ở mức thấp… Dấu hiệu đầu tiên của thiếu cân là cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng vận động, rụng tóc, da khô, hoặc các vấn đề về răng... Khi có những dấu hiệu trên, mỗi người cần kiểm tra chỉ số BMI để biết được chính xác tình hình cân nặng bản thân. Chỉ số này nên dao động từ 18,5 đến 23, tuyệt đối đừng để cơ thể rơi vào trạng thái quá gầy, bởi nếu gầy quá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và các chức năng của cơ thể, không nên có quan niệm gầy mới đẹp, song cũng không nên để cơ thể rơi vào trạng thái thừa cân, ảnh hưởng tới chức năng tim mạch, huyết áp.

Tuy nhiên, để đánh giá cơ thể khỏe mạnh thì thể trạng béo hay gầy chưa phải tiêu chí duy nhất mà còn dựa vào các hoạt động thể chất và quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Một người chuyển hóa chất béo nhanh, lượng cơ nhiều, vóc dáng rắn chắc, mạnh mẽ, mỗi ngày tập thể dục điều độ, dù hơi béo vẫn được xem là khỏe mạnh. Ngược lại, một người vóc dáng gầy, nhưng mức độ chuyển hóa chất béo thấp, vận động, cơ thể tích tụ nhiều chất béo xấu thì không được xem là khỏe mạnh.

Vậy nên muốn giữ cân nặng lý tưởng mỗi người nên chú ý chế độ ăn với những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, kết hợp tăng cường luyện tập thể dục thể thao đều đặn.

Xin cảm ơn ông!

Dinh dưỡng hợp lý
 Ảnh minh họa
Chế độ ăn hàng ngày có đủ các chất dinh dưỡng sẽ đảm bảo sự phát triển tốt cả về trí lực và thể lực của trẻ, cũng như đảm bảo hoạt động và lao động sáng tạo của người lớn.
Một khẩu phần ăn đủ, cân đối sẽ cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho phát triển cơ thể, duy trì sự sống, làm việc và vui chơi giải trí. Nếu ăn thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu, trẻ sẽ suy dinh dưỡng, còn người lớn sẽ thiếu năng lượng kéo dài. Ngược lại, ăn quá mức cần thiết sẽ dẫn đến béo phì, các bệnh về chuyển hóa, đái đường, huyết áp cao…

Ðể bữa ăn cung cấp đủ chất cho cơ thể, cần chế biến món ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thức ăn chính. Nhóm lương thực gồm gạo, ngô, khoai, sắn, mì… cung cấp năng lượng chủ yếu trong bữa ăn. Nhóm giàu chất đạm gồm thức ăn nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa và nguồn thực vật như đậu, đỗ. Trong các thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa… thì cần tăng cường ăn cá, tôm, cua, ốc… Ngoài ra, trong bữa ăn cần có nhóm giàu chất béo và nhóm rau quả. Trung bình ngày ăn 3 bữa, không nên nhịn ăn sáng, bữa tối không nên ăn quá no.

Muối ăn là loại gia vị thường dùng hằng ngày, nhưng chỉ cần 1 lượng rất ít. Càng ăn mặn thì tỷ lệ cao huyết áp càng tăng, do đó nên hạn chế muối ăn. Tính bình quân mỗi người nên ăn mỗi tháng dưới 300gam muối (dưới 10g mỗi ngày). Còn đường hấp thụ nhanh và thẳng vào máu, nên có tác dụng trong trường hợp hạ đường huyết. Tuy nhiên, không nên ăn đường quá mức, đặc biệt đối với người nhiều tuổi vì rất có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Cả trẻ em và người lớn đều không nên ăn bánh kẹo, không được uống đồ ngọt trước bữa ăn. Mỗi tháng chỉ nên ăn bình quân khoảng 500gam đường mỗi người.

Các loại rau, củ, quả có nhiều Vitamin và chất khoáng cần thiết, đồng thời có nhiều chất xơ có tác dụng thúc đẩy nhanh việc thải các chất độc và các chất béo thừa ra khỏi cơ thể. Nên ăn rau, củ, quả hằng ngày, đặc biệt các loại rau lá xanh và quả, củ màu vàng (đu đủ, cà rốt, bí ngô…). Những loại thực phẩm này chứa nhiều chất có khả năng phòng chống ung thư. Cần ăn đủ 300gam rau hoặc 10kg rau mỗi người mỗi ngày.

TS Lê Thị Hợp - Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia