Đừng để con đơn độc

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liêp tiếp các vụ học sinh (HS) tự tử đang gióng lên hồi chuông báo động cho ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Mỗi câu chuyện đều có nguyên nhân của nó, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, chủ yếu HS bị áp lực học tập quá nặng nề, thiếu sự sẻ chia của người lớn, thiếu kỹ năng sống.

Những nỗi đau khôn nguôi
Ngành chức năng TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục điều tra vụ HS nam trường THPT Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử. Nạn nhân được xác định là em H.T.C (16 tuổi, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk), HS lớp 10E nội trú của trường. Trước khi tự tử, C. để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực trong học tập, áp lực từ gia đình muốn em có điểm số tốt hơn để được học lớp đứng đầu khối 10. Trước đó không lâu, một nữ sinh 12 tuổi tại Hà Tĩnh tự tử ngay tại lớp học. Em cũng để lại hai bức thư tuyệt mệnh, một bằng tiếng Anh, một bằng tiếng Việt, trong đó gửi lời xin lỗi vì không thể tiếp tục vui chơi cùng bạn bè, vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, không như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.
 Ảnh minh họa.
Đây chỉ là 2 vụ điển hình từ đầu năm đến nay trong không ít vụ HS tự tử vì áp lực học hành, vì bố mẹ thiếu quan tâm, bạn bè nói xấu, nghi ăn trộm tiền, thậm chí vì lộ clip hôn bạn. Đây thực sự là những cú sốc lớn không chỉ với người thân trong gia đình HS, nhà trường, mà cả xã hội. Mỗi câu chuyện là một bài học cay đắng, thức tỉnh bậc làm cha, mẹ trong việc giáo dục và định hướng con cái. Đáng tiếc, những vụ việc đau lòng ấy dù được cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Theo kết quả y tế trường học do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT công bố mới đây, số HS có ý định tự tử ngày càng tăng cao, cứ 5 em có 1 em có ý định tự tử.

Đồng hành cùng con

Chương trình học quá tải, cha mẹ quá kỳ vọng vào con cái, HS chưa được trang bị kỹ năng sống để có bản lĩnh vượt qua khó khăn… là những nguyên nhân được các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý chỉ ra. Theo TS Vũ Thu Hương – giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, HS lứa tuổi này đang thay đổi tâm sinh lý, bởi vậy rất khó lường trước được hành động của các em, nhất là hành động theo cảm xúc nhất thời. Đặc biệt, nhiều em sống nội tâm, ít chia sẻ với người khác. Nếu bố mẹ, thầy cô giáo không gần gũi, tâm sự, chia sẻ với các em, giúp các em giải quyết, vượt qua những khó khăn trong học tập, khúc mắc trong đời sống thì các em dễ có những hành động sai lầm.

Cũng theo TS Hương, cha mẹ nào cũng mong con cái thành công, có địa vị trong xã hội nhưng mỗi người đều có năng lực, tính cách, năng khiếu riêng, bố mẹ phải là người hiểu con mình nhất. “Thay vì tạo áp lực, cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con để có cách giải quyết thỏa đáng trong mỗi tình huống, hãy khuyến khích để con có nghị lực phấn đấu đạt được mục đích” - TS Hương nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng khuyên các bậc cha mẹ trang bị cho con kỹ năng vượt qua những giây phút căng thẳng, những áp lực nặng nề trong cuộc sống để con luôn thấy cho dù thế nào, cuộc sống là điều quí giá nhất. Cha mẹ hãy cho con hiểu rằng, chỉ cần con tâm sự, chia sẻ với mình, cha mẹ và người thân sẽ luôn bên cạnh con, giúp con vượt qua mọi chướng ngại vật khó khăn nhất. "Bố mẹ kỳ vọng vào con ít thôi, nhưng hãy kỳ công với con, lắng nghe, tìm hiểu và hỗ trợ khi con cần. Để sự phát triển của con phù hợp với năng lực, sức khỏe, mong muốn của con. Sự sống là quan trọng, có sự sống, có sức khỏe, chỉ cần nỗ lực, cố gắng sẽ thành công” - ông Lâm phân tích. Theo ông Lâm, nếu con học không giỏi thì đừng đặt ra mục tiêu quá cao là phải vào trường điểm, trường chọn, hãy động viên con làm hết sức có thể, nếu đạt được mục tiêu thì tốt, còn không hãy cho con có những lựa chọn khác.

Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến cho rằng, thầy cô cần giảm đi những áp lực không cần thiết trong trường học, đừng vì bệnh thành tích mà “bắt” các em phải đạt được những điểm số nhất định. Còn đối với bạn bè, nhiều chuyên gia khuyên, các em nên gần gũi để chia sẻ, động viên nhau. Đặc biệt, khi phát hiện những bất thường của nhau, thông báo cho thầy cô cũng như gia đình để phối hợp giải quyết, giúp bạn vượt qua khó khăn, vướng mắc trong học tập cùng như trong cuộc sống.

"Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm, có khoảng 3.000 bệnh nhân khám, điều trị nội trú và 36.000 bệnh nhân khám, điều trị ngoại trú tại đây. Riêng việc khám và tư vấn cho nhóm đối tượng HS, sinh viên chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Hầu hết bệnh nhân là HS nhập viện do các vấn đề liên quan đến học tập, thi cử thường có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, lo lắng, sợ hãi, mất ngủ dài ngày hoặc bị những rối loạn về cảm xúc, stress nặng, thậm chí hoang tưởng. Rối loạn tâm thần nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng rất khó điều trị, sẽ để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

Điều tra tại một số trường tiểu học và THCS tại Hà Nội cho thấy, hơn 15% trẻ em 6 - 14 tuổi gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như tăng động giảm chú ý, trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi. Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy sụp sức khỏe này là do các em sống trong môi trường căng thẳng như bạo lực gia đình, cha mẹ thiếu quan tâm, các cú sốc tâm lý, áp lực học tập. Gia đình phải nhìn nhận khách quan năng lực của con mình, hướng cho trẻ phát triển đúng năng lực, sở trường và các con mới là người đưa ra quyết định lựa chọn các vấn đề liên quan đến mình như trường, ngành học. Điều đó sẽ giảm áp lực cho trẻ, phát huy yếu tố tố bẩm sinh, năng khiếu của trẻ." - Bác sĩ Lý Trần Tình - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

"Khi các em gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, áp lực học tập, sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, cha mẹ nên chia sẻ, hướng dẫn và động viên để các em tìm ra hướng đi, phương pháp học tập tốt nhất. Ngành giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý học đường, chú trọng giáo dục kỹ năng, tư duy, giải quyết vấn đề của bản thân và xã hội. Giáo viên cũng cần tránh kỳ thị, phân biệt đối xử giữa các HS chỉ vì năng lực học tập kém. Gia đình và nhà trường phối hợp dạy cho trẻ biết thực trạng xã hội, từ đó có cách đối phó, thích nghi với môi trường. " - Chuyên gia tâm lý Đặng Thị Thanh Tùng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec