Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để nhập siêu ám ảnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015, cán cân thương mại hàng hóa cả nước nhập siêu 3,5 tỷ USD, tương đương 2,2% kim ngạch xuất khẩu (XK), là lần đầu tiên ghi nhận nhập siêu quay trở lại sau 3 năm liên tiếp xuất siêu.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2016 đang có sự thay đổi khi cán cân này đang có sự chuyển dịch.

Những tín hiệu khả quan

Tín hiệu rõ nhất là nếu cùng kỳ năm trước nhập siêu 126 triệu USD và cả năm trước nhập siêu 3.538 triệu USD, thì kỳ này đã xuất siêu 685 triệu USD. Khu vực kinh tế kỳ này chứng kiến khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tuy XK bị giảm mạnh, nhưng vẫn tiếp tục xuất siêu. Không phải xuất siêu lúc nào cũng là tốt, nhập siêu lúc nào cũng là xấu, nhưng trong điều kiện cần phải thực hiện mục tiêu tổng quát có tầm quan trọng hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô với các nội dung chủ yếu là cải thiện cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá, giảm nợ công, nợ nước ngoài, thì cải thiện cán cân thương mại là nội dung quan trọng.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty May 10. 	 Ảnh: Thanh Hải
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải
Một tín hiệu khác là XK của khu vực kinh tế trong nước đã chiếm 30,4% tổng kim ngạch XK của cả nước, cao hơn cùng kỳ năm trước (30,1%) và cao hơn cả năm 2015 (29,5%). Đây là xu hướng tốt nhằm phát huy nội lực trong điều kiện mở cửa hội nhập ngày một sâu, rộng hơn, với tầm cao hơn. Một tín hiệu nữa là đã có 24 mặt hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD - đó là những mặt hàng hứa hẹn sẽ đạt trên 1 tỷ USD trong cả năm. Trong đó, có một số mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (như điện thoại 3,03 tỷ USD, dệt may 2,6 tỷ USD, máy tính 1,63 tỷ USD, giày dép 1,45 tỷ USD); một số mặt hàng nông nghiệp tăng khá (như gạo tăng 43%, rau quả tăng 29,4%...).

Và cảnh báo

Cảnh báo rõ nhất là XK và nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (tháng 1 giảm 1%, nửa đầu tháng 2 giảm tới 51,7% - chủ yếu rơi vào những ngày nghỉ Tết Nguyên đán và tính từ đầu năm đến 15/2 giảm tới 18%). Việc giảm trong thời gian khởi đầu của năm có mục tiêu tăng 10% đòi hỏi những tháng còn lại phải có sự nỗ lực rất cao, nếu không sẽ không đạt được mục tiêu, thậm chí có thể còn thấp hơn tốc độ tăng của cả năm trước (7,9%). Giảm so với cùng kỳ diễn ra ở cả 2 khu vực (khu vực kinh tế trong nước giảm 17,2%, khu vực có vốn FDI giảm 18,4%). Giảm so với cùng kỳ diễn ra ở hầu hết các mặt hàng, trong đó có nhiều mặt hàng giảm sâu hơn tốc độ giảm chung như hạt tiêu, sắn, thức ăn gia súc, clinker và xi măng, than đá, dầu thô, sản phẩm hóa chất, phân bón, chất dẻo nguyên liệu, cao su, sản phẩm từ cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, giấy và các sản phẩm từ giấy, xơ sợi dệt các loại, vải các loại, sản phẩm gốm sứ, sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt thép, điện thoại các loại và linh kiện... Đáng lưu ý, trong các mặt hàng giảm có những mặt hàng có kim ngạch lớn, trong các thời kỳ trước XK tăng cao, như dệt may, máy tính, điện thoại, máy ảnh, máy móc thiết bị...

Số liệu tháng 1 cũng cho thấy, bên cạnh những thị trường tăng và xuất siêu thì có những thị trường bị giảm và nhập siêu lớn. Những thị trường bị giảm lớn về kim ngạch là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Áo... Những thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn là Trung Quốc 2.577 triệu USD, Hàn Quốc 1.302 triệu USD, Đài Loan (Trung Quốc) 674 triệu USD, Thái Lan 311 triệu USD, Singapore 274 triệu USD...
Tháng 2, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô)  đạt 7,25 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 23,66 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 2,95 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt gần 19,1 tỷ USD chiếm tỷ trọng khoảng 80,6% kim ngạch xuất khẩu. (Lê Nam)