Đừng đổ lỗi do thiếu quy định hay mức phạt nhẹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người tham gia giao thông vượt đèn đỏ trên đường Thái Hà. Ảnh: Chiến Công

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu pháp luật, trao đổi về vấn đề ATGT, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo, ĐB Quốc hội TP Hà Nội cho rằng: Người và phương tiện tham gia giao thông là lĩnh vực giao thông được pháp luật quy định hoàn thiện, đầy đủ nhất. Chế tài xử phạt cũng không nhẹ. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người vi phạm vẫn cao chính là do việc tuyên truyền chưa "ngấm" vào ý thức tự thân của mỗi người.

 
Người tham gia giao thông vượt đèn đỏ trên đường Thái Hà.           Ảnh: Chiến Công
Kinhtedothi - Người tham gia giao thông vượt đèn đỏ trên đường Thái Hà. Ảnh: Chiến Công
Quy định không thiếu

Không đồng tình với quan điểm của nhiều người cho rằng, tỷ lệ vi phạm ATGT cao là do thiếu luật, thiếu chế tài xử phạt, ông Thảo khẳng định: Trước khi có Luật Giao thông đường bộ năm 2001, Chính phủ cũng đã có rất nhiều nghị định, pháp lệnh quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT. Sau khi có Luật, Chính phủ, các bộ đã ban hành hàng trăm nghị định, thông tư để hướng dẫn thi hành Luật. Qua một số lần sửa đổi, đến nay, có thể nói Luật đã điều chỉnh để bao phủ đầy đủ các hành vi của người và phương tiện tham gia giao thông, với các mức xử phạt vi phạm hành chính đi kèm. "Trước đây, nhiều người cũng hay nói rằng, các mức xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe, nhưng theo tôi, hiện nay, nhiều mức xử phạt đã được nâng lên gấp đôi, gấp 5, thậm chí gấp 10 lần trước đây. Phải nói rằng, không hề nhẹ so với thu nhập của người dân. Chính không ít người dân cũng nhận thức được rằng, mức xử phạt bây giờ là nặng" - ông Thảo nói. Đồng thời, đặt vấn đề: "Luật có, nghị định có, thông tư có, nhưng việc đưa vào cuộc sống thế nào mới là quan trọng".

Đánh giá về công tác tuyên truyền, giáo dục luật hiện nay, ông Thảo nhận xét: "Tôi theo dõi trong nhiều năm, chưa lĩnh vực pháp luật nào mà công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lại làm mạnh, thường xuyên, rầm rộ như lĩnh vực pháp luật về GTVT, nhất là giao thông đường bộ. Từ việc đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ bậc tiểu học đến đại học, rồi tuyên truyền trên báo chí, phát thanh, truyền hình... Và tại Hà Nội hiện nay còn tuyên truyền qua hệ thống loa tại các ngã tư, nút giao thông. Bằng việc vừa kết hợp tuyên truyền với kiểm tra thực địa trên đường, xử phạt, xử lý nghiêm khắc, có thể nói rằng, lĩnh vực ATGT đang rất được quan tâm. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn, số người vi phạm còn nhiều và việc thực thi không đồng đều giữa các vùng miền".

Theo thông tin từ CSGT - Công an Hà Nội, năm 2014, trong công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 600.000 trường hợp vi phạm, số tiền xử phạt hơn 170 tỷ đồng; tạm giữ gần 24.000 phương tiện; tước giấy phép lái xe gần 33.000 trường hợp. Ông Thảo phân tích: "Thực tế có hiện tượng người tham gia giao thông ngó trước, nhìn sau, nếu không có CSGT là vi phạm như vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ quy định, lạng lách đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu... Có lẽ, nguyên nhân chính là ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa giao thông của nhiều người dân chưa thật cao. Có nghĩa là việc đi ra đường tham gia giao thông, việc chấp hành luật chưa trở thành ý thức tự giác, chưa nhận thức được việc đó là an toàn cho bản thân mình, mà hoàn toàn mang tính chất đối phó với pháp luật".

Vấn đề là "tuyên truyền thế nào"

Làm sao để việc chấp hành pháp luật về ATGT trở thành thói quen và mỗi người đều thấy rằng, việc đó trước hết là đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân mình là câu chuyện đã được đặt ra nhiều, nhưng xem chừng không hề dễ.

"Ở mình, ai cũng muốn đi thật nhanh. Vấn đề ở đây là liên quan đến cả nền giáo dục, văn hóa đã có từ rất lâu đi vào nếp sống của người dân. Nên không có cách nào khác là phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền" - ông Thảo khẳng định. Theo đó, việc giáo dục cần có hệ thống và qua nhiều kênh hơn nữa. Việc giáo dục trong nhà trường ngay từ bậc nhỏ nhất cũng không chỉ là rao giảng lý thuyết, ví dụ cần có mô hình thực tế ngay tại sân trường để học sinh hiểu, biết và thực thi, để trẻ hình thành ý thức ngay từ nhỏ. Và quan trọng hơn, người lớn cũng phải làm gương, chấp hành nghiêm chỉnh. Không thể chấp nhận được cảnh cha mẹ chở con phía sau nhưng vẫn "vô tư" vi phạm luật, khó mà bắt trẻ tuân theo.

"Không thể đổ lỗi cho việc thiếu luật, quy định hay mức xử phạt nhẹ. Tất nhiên, xử phạt cũng có tác dụng hỗ trợ, nhưng vấn đề vẫn là ý thức chưa thường trực, nên việc vi phạm nhiều khi lại như "vô tình không cố ý". Do đó, tôi vẫn cho rằng, trước khi tính đến các giải pháp khác, để luật thấm vào từng người dân, khâu tuyên truyền phổ biến phải đặt lên hàng đầu và kèm theo đó, hệ thống biển báo phải làm cho tốt. Đồng thời, trước khi xử phạt phải có cảnh báo trước để người dân biết, đồng thuận và thực hiện" - ông Thảo chia sẻ.