Dừng đỗ ô tô trước cửa nhà: Chuyện nhức nhối của phố thị

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc dừng đỗ ô tô trên các tuyến phố có khu dân cư hoặc hàng quán hình thành hai bên đang dần trở thành một chuyện không nhỏ của đời sống đô thị.

Rất nhiều chuyện dở khóc dở cười, thậm chí biến thành xô xát chỉ vì không có một chuẩn mực nào đủ làm hài lòng cả chủ xe lẫn chủ nhà.

Đường của chung

Anh Dư Trung Tưởng (xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức) cho biết, một lần anh lái xe đưa người nhà ra phố, ghé vào ăn sáng tại một hàng phở trên phố Nguyễn Văn Lộc, quận Hà Đông. Do trước cửa hàng phở đã hết chỗ nên anh buộc phải đỗ xe trước một cửa hàng mỹ phẩm phía đối diện. Chủ cửa hàng mỹ phẩm yêu cầu anh đưa xe đi chỗ khác vì cản trở việc buôn bán. “Tôi giải thích rằng không đỗ xe lên vỉa hè, chỉ đỗ dưới lòng đường dùng chung cho mọi người và sẽ đi sớm nhưng chủ hàng không nghe, còn chửi mắng một trận tơi bời”.

Nhiều người dân đã tự đặt biển cấm dừng đỗ trước cửa nhà. Ảnh: Phan Vũ
Nhiều người dân đã tự đặt biển cấm dừng đỗ trước cửa nhà. Ảnh: Phan Vũ

Rất nhiều trường hợp như anh Dư Trung Tưởng, đặc biệt trong khu vực nội thành Hà Nội, nơi những tuyến phố từ lớn đến nhỏ đều san sát hàng quán ven đường. Dù là khu vực không cấm đỗ xe, không cản trở giao thông, cứ dừng đỗ trước cửa hàng quán hay cổng cửa nhà dân là chủ xe có thể bị chì chiết, thậm chí doạ nạt, hành hung hoặc phá xe.

Hiện tượng này đang ngày càng trở nên phổ biến và gây ra bất đồng sâu sắc trong dư luận. Một bộ phận lớn người dân cho rằng đỗ xe trên đường phố, tại nơi không cấm dừng đỗ chẳng có gì là sai. Đường phố là của chung, không phải cứ có mặt tiền là nghiễm nhiên chiếm cả khoảng không gian công cộng phía trước rồi cấm người khác đỗ xe.

Mới đây, tại phần đường quanh một căn nhà trên phố Nguỵ Như Kon Tum (quận Thanh Xuân) còn lắp đặt cả khóa tự động trên mặt đường để ngăn không cho người khác đỗ xe. Khi dư luận lên án, người lắp đã phải tự tháo bỏ. Nhưng điều đó cũng cho thấy xu hướng “chiếm hữu” không gian công cộng đang lan tràn ở nhiều nơi.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Đã là không gian công cộng thì không một ai được quyền sở hữu riêng, lại càng không được phép lắp đặt biển cấm người khác sử dụng. Đừng nhầm lẫn giữa quyền lợi và sự chiếm dụng tùy tiện”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chuẩn mực cao nhất mà người dân cần tuân theo chính là các biển báo, biển cấm của cơ quan chức năng. Chỉ cần không dừng đỗ xe tại nơi có biển cấm đỗ, nút giao, trong phạm vi cấm của một số công trình như trường học, cơ quan… là đúng và đủ.

Đừng vô tâm

Bên cạnh những ý kiến nêu trên, cũng có không ít người cho rằng việc dừng đỗ xe ô tô trước cửa nhà, hàng quán thể hiện văn hóa ứng xử của chủ xe. Anh Nguyễn Tiến Mạnh - chủ một quán ăn trên phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông) nói: “Vẫn biết đường phố là không gian sử dụng chung nhưng người đỗ xe cũng nên biết ý tứ. Xe đỗ nối nhau san sát, không để cả một lối cho người đi bộ hay xe máy lên hè để vào cửa hàng thì làm khó hàng quán quá”.

Nhiều người dân dù không kinh doanh nhưng nhà ở mặt đường cũng than phiền về tình trạng bị xe ô tô đỗ bịt cả cửa cổng, không ra vào được. Hiện tượng này cũng không phải là hiếm. Một số tài xế, chủ xe khi đỗ không chú ý quan sát khiến việc ra vào của chủ nhà ven đường gặp khó khăn. Một số thậm chí cố ý dựa vào quy định được đỗ xe nơi không có biển cấm để bao biện cho sự vô tâm của mình.

Đại diện Đội Thanh tra GTVT quận

Hà Đông chia sẻ: “Hiện không có quy định nào chỉ rõ việc đỗ xe trước cửa nhà dân phải giới hạn trong khoảng cách bao nhiêu, thời gian bao lâu. Nên đối với những trường hợp dừng đỗ xe tại nơi không bị cấm cơ quan chức năng không thể xử phạt”.

Vị đại diện này cũng cho biết, những trường hợp nhà dân, hàng quán tự ý đặt biển cấm hay đặt chướng ngại vật để ngăn người khác đỗ xe trước cửa là không đúng quy định của pháp luật. Có thể đề nghị, khuyến nghị người đỗ xe chừa một khoảng cách phù hợp để ra vào, chứ biển cấm tự phát là vô giá trị và đặt chướng ngại vật, trong nhiều trường hợp là vi phạm quy định về quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng đường bộ.

Thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh nói: “Văn hóa của người Việt mình từ xưa tới nay vẫn là: Trăm cái lý không bằng tý cái tình. Vẫn biết đỗ xe không sai nhưng nên chừa cho chủ nhà lối ra vào mới nêu cao đạo lý, văn hóa ứng xử trong xã hội”. Cơ quan cũng chức năng cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, đưa ra những chuẩn mực cụ thể để người dân thực hiện theo, hài hòa lợi ích các bên, tránh những mâu thuẫn nhỏ có thể hóa lớn, mang lại hệ lụy đáng tiếc.