Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng đổ thừa cho cơ chế

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc địa phương, DN không hoàn thành một nhiệm vụ, vấn đề gì đó lại kêu là do thể chế, cơ chế còn vướng, đó là một thực tế xuất hiện rất nhiều trong thời gian qua.

Nhưng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội vừa qua yêu cầu, phải khắc phục cả hai khuynh hướng: “Một là khuynh hướng bảo thủ, sai không sửa; hai là khuynh hướng đổ thừa cho cơ chế”. Bởi cơ chế cũng do chính các cơ quan có chức năng chịu trách nhiệm đề xuất, ban hành… trên cơ sở thực tiễn, không phải điều “bất biến”.
Các dự án bị ách tắc, chậm triển khai, treo nhiều năm được đổ lỗi do cơ chế; không ít những bất cập phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội khó giải quyết cũng được chỉ ra do cơ chế còn vướng mắc.
Thực tế, việc vướng mắc cũng là có thật, bởi tình trạng luật còn chưa bắt kịp yêu cầu cuộc sống; rồi tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để; nội dung chuyển tiếp trong một số văn bản chưa được quy định đầy đủ, chặt chẽ… Chưa kể việc có những chính sách liên quan đến nhiều bộ, nhiều ngành, dẫn đến chồng chéo hoặc chậm chễ trong thực thi.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nhiều vấn đề bị ách tắc được kêu là vướng thể chế, nhưng không chỉ ra được vướng điều nào, khoản nào, cần sửa ở đâu. Đồng thời, việc ách tắc còn do khâu tổ chức thực hiện, cách bố trí, thậm chí là cách hiểu luật không đúng. Như Chủ tịch Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra, “chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề này. Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế bao gồm luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Cấp nào phải có trách nhiệm rà soát để sửa? Vướng chỗ nào thì phải chỉ ra, xác định rõ sửa cái gì, sửa như thế nào… không phải chỉ nêu ra rồi đổ thừa cho thể chế”.
Một ví dụ đã được chỉ ra là đầu tư công, tại sao cùng hệ thống pháp luật như vậy, trong khi các năm trước giải ngân đầu tư công đều rất ì ạch, đến năm 2020 lại bứt lên, trở thành điểm sáng, cao nhất trong cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, thậm chí có những địa phương giải ngân đến 98% kế hoạch? Câu hỏi đã được đặt ra là có phải do thể chế, chính sách pháp luật hay ở khâu thực thi, thực hiện.

Quan điểm “nếu vướng thể chế, cũng cần cụ thể, vướng ở điều khoản nào, văn bản nào, cần sửa đổi ra sao… để tạo ra cơ chế đột phá, khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển, không phải chỉ dừng ở “kêu””, nhận được sự đồng tình.
Bởi việc rà soát, đánh giá, đo lường hiệu quả, tác động thực tế của hệ thống pháp luật đều do chính các cơ quan chuyên ngành thực hiện. Và khi Luật được kiểm nghiệm trong thực tiễn, cơ chế, chính sách vướng, không thể thực thi đều có thể sửa đổi, tránh “bảo thủ, sai mà không sửa”, gây ách tắc trong thực tiễn. Nếu cuộc sống không đi vào luật pháp, nghị quyết thì nghị quyết, luật pháp cũng sẽ không đi vào cuộc sống được.

Hơn thế nữa, rất cần xác định rất cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong quy trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách, pháp luật. Trong đó phải cá thể hóa trách nhiệm trong việc đề xuất, soạn thảo và thông qua chính sách, pháp luật, tránh tình trạng làm luật, làm nghị quyết không sát thực, không lắng nghe thực tiễn cuộc sống. Đây cũng là điều mà nhiều cử tri mong muốn ở Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội khóa mới.
Đột phá về thể chế, giải quyết bất cập về thể chế là tác nhân quan trọng thúc đẩy phát triển. Việc lắng nghe, chỉ rõ tác động, vướng mắc như thế nào; vướng ở nghị định, thông tư hướng dẫn, quy định cụ thể hay thực thi… khi được chỉ rõ sẽ tránh được việc quy định pháp luật không thể đi vào cuộc sống, gây ách tắc cho quá trình phát triển.