Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dùng giấy khai sinh, đăng ký kết hôn điện tử: Phải có lộ trình

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc triển khai cấp và sử dụng giấy khai sinh, đăng ký kết hôn bản điện tử, thực hiện thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến được đánh giá là xu hướng tất yếu, bước tiến trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, tuy nhiên, phải có lộ trình.

Mới đây, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Theo các quy định của Thông tư, người dân có thể yêu cầu giải quyết tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến, trong đó có một số thủ tục được thực hiện trực tuyến mức độ 4, tùy theo mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của địa phương. Một số thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí sẽ được liên thông thực hiện trên môi trường điện tử với sự chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bản điện tử có mã QR Code của giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn
Bản điện tử có mã QR Code của giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn

Cùng với đó, Thông tư quy định việc người dân có thể sử dụng bản sao điện tử giấy tờ cá nhân, bản điện tử giấy tờ hộ tịch khi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến; cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm khai thác, sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân, để người dân sẽ không phải gửi kèm theo bản chụp giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Thông tư 01 cũng quy định việc người dân có thể sử dụng bản sao điện tử giấy tờ cá nhân, bản điện tử giấy tờ hộ tịch khi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến. Có thể thấy những quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BTP thể hiện quyết tâm của Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp trong cải cách thủ tục hành chính về hộ tịch.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nhâm Ngọc Hiển cho biết, sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch là xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Chính vì vậy Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP để triển khai. Tuy nhiên, để thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, cấp và sử dụng bản điện tử của giấy tờ hộ tịch hiệu quả, điều kiện quan trọng là Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng hoàn thiện, cập nhật dữ liệu đầy đủ, triển khai áp dụng thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc; đồng thời có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực tại các cơ quan đăng ký hộ tịch địa phương được bảo đảm.

Hiện tại, tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên toàn quốc đã sử dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, Phần mềm cũng sẵn sàng cho việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, nhưng hiện vẫn còn có những tỉnh, TP chưa cung cấp được dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hộ tịch theo quy định.

Cùng với đó, do các địa phương hiện chưa thực hiện xong việc số hóa sổ hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng, vận hành thống nhất, chưa được kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người yêu cầu đăng ký hộ tịch chưa cung cấp được bản sao điện tử giấy tờ cá nhân… nên hiện tại chưa thể triển khai ngay việc cấp và sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch, Thông tư cũng có quy định thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp tại Khoản 3 Điều 14. Trên cơ sở pháp lý này, khi dự án đầu tư công nâng cấp hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được hoàn thành, đầu năm 2023, sẽ có đủ cơ sở để triển khai thực hiện việc cấp và sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư, việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến phụ thuộc vào mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương. Tại các tỉnh, TP đã triển khai việc kết nối liên thông dữ liệu điện tử giữa Hệ thống thông tin một cửa điện tử/Cổng dịch vụ công cấp tỉnh với hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử thì người dân, nếu có nhu cầu, có thể thực hiện đăng ký trực tuyến các việc hộ tịch được cung cấp trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng có văn bản đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, TP chủ động phối hợp với Sở TT&TT, các cơ quan có liên quan, thực hiện công khai Danh mục các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch được thực hiện trực tuyến, mức độ trực tuyến và Danh sách các cơ quan đăng ký hộ tịch chưa có điều kiện tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến (nếu có) tại địa phương.

“Việc đăng ký hộ tịch trực tiếp (tại cơ quan đăng ký hộ tịch) hay đăng ký trực tuyến là quyền lựa chọn của người dân, không bắt buộc người dân phải thực hiện theo phương thức trực tuyến. Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm bảo đảm: trong mọi trường hợp, nếu hồ sơ đăng ký hộ tịch của người dân đầy đủ, đúng quy định pháp luật thì phải được tiếp nhận, giải quyết.