Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dung hòa và đồng điệu

Thục Trinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù heo may vẫn hanh hao phố và gió mùa nhón gót vào tiết Thu, nhưng Hà Nội đã lao xao những góc Halloween đầy sắc màu. Tuyến phố Hàng Mã thay chiếc áo lễ hội hóa trang ước chừng cả tháng nay và đã trở thành điểm check-in hấp dẫn của giới trẻ.

Thế mới hay, người Hà thành đương thời đã dung hòa và đồng điệu nhịp nhàng với các lễ hội du nhập từ nước ngoài…

Hòa trong nhịp phố

Tôi đưa cháu nội đến phố Hàng Mã theo “lời thỉnh cầu” ngoan ngoãn của tuổi tiểu học: “Con được điểm 10 môn tiếng Anh, ông tặng con bộ áo phù thủy và quả bí ngô màu cam để con đón lễ hội Halloween ở trường, ông nhé!”. Phố Hàng Mã bây giờ khác hẳn những tháng năm tôi đưa bố nó lên mua đồ chơi mỗi dịp Trung thu đến. Cả dãy phố dài nối nhau những sắc màu đặc trưng của lễ hội Halloween, từ đồ chơi đến trang phục hóa trang, đủ cả bí ngô, người nhện khổng lồ, lưỡi hái, nón phù thủy…

Dường như các ông chủ cửa hàng trên con phố chuyên bán đồ lễ hội nức tiếng đất Hà thành này cũng biết dung hòa và đồng điệu với xu hướng hội nhập văn hóa thế giới và nhu cầu của người đương thời. Ai nấy kỳ công trang trí khoảnh bán mua nhà mình cho đậm đà màu sắc Halloween để thu hút khách tới tham quan, mua sắm và có thể chụp ảnh check-in. Thế nên, không khí Halloween tràn ngập phố Hàng Mã với tông màu chủ đạo cam, đen...

Con phố sau những sắc diện lung linh của ngày Trung thu đã chuyển sang mang chút ma mị, kỳ quái, nhưng cũng không kém phần rực rỡ, đẹp mắt.

Từ con phố Hàng Mã tỏa đi khắp các nẻo phố Hà thành, cũng dễ bắt gặp không khí Halloween ấy nơi các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng đồ chơi, quán cà phê, nhà sách… Thậm chí cả các trung tâm thương mại, trung tâm tiếng Anh, trường mầm non… Hết thảy như tiếng reo hò gọi nhau vào lễ hội sẽ diễn ra vào 31/10 - ngày đánh dấu kết thúc mùa Thu, bắt đầu mùa Đông - trên khắp thế giới.

Phố Hàng Mã dịp lễ hội. Ảnh: Chiến Công
Phố Hàng Mã dịp lễ hội. Ảnh: Chiến Công

Chợt nhớ trong một lần đàm đạo chuyện Hà Nội với ông bạn già, chúng tôi đã nhẩm đếm quãng chừng hơn 20 năm, các lễ hội Tây hòa mình vào đời sống đô thị. Chẳng riêng gì Halloween, mà còn Giáng sinh, Valentine, Ngày của mẹ, Ngày của cha…

Đúng như ông bạn tôi nói: “Đến từ nhiều nền văn hóa đa dạng, các lễ hội quốc tế đã góp thêm sắc màu cho văn hóa Việt Nam, trong đó có văn hóa của mảnh đất nghìn năm văn hiến Hà Nội”. Bởi mỗi một lễ hội khi hòa nhịp vào đời sống đều mang theo những câu chuyện và ý nghĩa đằng sau đó.

Ví như ngày Giáng sinh để kỷ niệm Ngày Chúa Giê-su ra đời với lòng biết ơn sâu sắc, Valentine được coi là ngày để tôn vinh, chăm sóc tình yêu, Halloween với ý nghĩa xua đuổi những điều không lành, không may mắn trong cuộc sống…

“Những ý nghĩa của các lễ hội du nhập từ phương Tây ấy cũng góp phần lan tỏa thông điệp sống tích cực, sống lành tới người Việt Nam, khiến ta trong những ngày này được nhắc nhớ thêm về lòng biết ơn, tình yêu, sự hi vọng…” - ông bạn già của tôi nói vậy.

Người Hà Nội mang lễ hội Tây vào lòng TP, họ đã đồng điệu với nó, song cũng đã dung hòa nó cho “vừa vặn” với tính cách và môi trường văn hóa đất này. Cứ để ý và nhìn ngắm các lễ hội sẽ thấy, nó không hẳn là một trào lưu rộng khắp, mà thu gom lại trong những góc Hà Nội thuộc về giới trẻ, đủ làm TP rộn ràng và mới mẻ hơn.

Tất nhiên, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa thật sự của các ngày lễ ấy, nhưng cũng phải công bằng thừa nhận: người Hà Nội có thêm dịp để gặp gỡ, thư giãn cùng bạn bè, người thân giữa guồng quay hối hả của nhịp sống hiện đại.

Tiếc nuối và mong chờ

Theo thống kê sơ bộ của Bộ VHTT&DL, hiện nay cả nước có khoảng 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, nhất là các nước phương Tây, nhiều lễ hội quốc tế trở thành một phần đời sống văn hóa Việt. Đây là một yếu tố quan trọng giúp gắn văn hóa Việt Nam với văn hóa nhân loại. Thế nhưng đây đó, vẫn còn những ì xèo đọng lại ở chốn đô thị sau những dung hòa và đồng điệu cùng phố phường.

Người ta tiếc nuối vì khá nhiều bạn trẻ hòa mình vào những lễ hội ý nghĩa ấy bằng thái độ và hành vi thái quá, làm mất đi sự nhân văn của lễ hội. Ấy là những nhóm tổ chức chơi bời, hưởng thụ quá đà; chuyện tặng quà xa xỉ; là chuyện hóa trang giả chết, đắp chiếu, cắm nhang ngay giữa phố đi bộ; cả chuyện tổ chức lễ hội hóa trang tại trường học mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế…

Ông bạn tôi có lý khi nói rằng, việc giao thoa văn hóa thời hội nhập là hết sức tự nhiên và các lễ hội du nhập vào Việt Nam được giới trẻ hào hứng đón nhận cũng là điều dễ hiểu. Bởi các bạn trẻ luôn có xu hướng thích thú với những điều mới lạ, thích khám phá, học hỏi. Đây cũng là quá trình tích lũy vốn sống, vốn kiến thức làm hành trang đi tới tương lai. Việc tiếp nhận các lễ hội quốc tế là điều không xa lạ trong quá trình hội nhập văn hóa, song tiếp nhận như thế nào lại là câu chuyện khác.

Bản thân lễ hội không có lỗi, việc tiếp nhận lễ hội cũng không có gì phải bàn, mà những người chưa hiểu ý nghĩa thực của lễ hội, mượn lễ hội để thỏa mãn thú vui cá nhân mới là người có lỗi.

“Chỉ khi được trả lại đúng ý nghĩa của nó, các lễ hội sẽ phát huy được những giá trị thật sự, giúp ta hiểu hơn về cách sống đẹp, sống an lành và hạnh phúc, sống có tình nghĩa với cuộc đời” - ông bạn già quả quyết.

Bao mùa Noel đã qua, bao lễ hội Holloween đã đến và đi, bao ngày Valentine đã ngọt ngào bước vào đời sống người đô thị. Và vẫn còn đây âm hưởng của những sự kiện ngày lễ Giáng sinh vì cộng đồng được tổ chức để sẻ chia với những mảnh đời khó khăn bất hạnh, nhắc nhớ những điều ấm áp, tích cực và giá trị của gia đình để mỗi người thêm trân quý. Những tiếc nuối đọng lại trong lòng phố chỉ là một chấm nhỏ trong bức tranh giao thoa, hội nhập văn hóa thời hiện đại.

Thế nên mong mỏi sao các bạn trẻ khi hòa mình vào lễ hội du nhập hãy khoan hòa để hiểu về văn hóa, phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng của các nước đang nâng niu và hòa nhịp cùng các lễ hội đó.

Văn hóa Hà thành và văn hóa người Hà thành xưa nay vẫn vậy, luôn là một hành trình tiếp biến - dung hòa - lan tỏa không ngừng nghỉ. Lễ hội Tây trong đời sống Hà thành hôm nay cũng chính là một minh chứng cho dòng chảy muôn đời ấy giữa xu hướng giao lưu và hội nhập văn hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Chỉ cần tinh tế để dung hòa và đồng điệu với lễ hội, là nhịp phố Hà thành sẽ rộn ràng và thanh lịch biết mấy.