Việc lập quy hoạch đảm bảo phù hợp với tín ngưỡng, phong tục tập quán của Nhân dân nhưng cũng chú trọng đến yếu tố văn minh, đảm bảo VSMT và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án đã vấp phải sự phản ứng của người dân địa phương.
Nhiều dự án được triển khai
Theo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hàng loạt nghĩa trang được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây mới. Đến năm 2050, quỹ đất dành cho xây dựng nghĩa trang tại TP là 1.247ha. Đối với nghĩa trang tập trung cấp quốc gia, sẽ cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang Mai Dịch 1 thành công viên nghĩa trang; đồng thời, xây mới nghĩa trang cấp quốc gia tại xã Yên Trung (huyện Thạch Thất). Cả 2 nghĩa trang này nhằm phục vụ nhu cầu an táng lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Có một thực tế, khi cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây mới các nghĩa trang, cơ quan chức năng thường vấp phải phản ứng của người dân địa phương. Đa số không đồng tình với việc triển khai dự án nghĩa trang ngay trên địa bàn đang sinh sống. Nhiều dự án phải "đắp chiếu", dở dang hàng năm trời vì người dân không đồng thuận. Thậm chí, nhiều trường hợp quá khích, gây rối, ném đá vào các cán bộ, công an thi hành nhiệm vụ dẫn đến bị thương như ở trường hợp xảy ra ở xã Bắc Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cách đây một năm.
Đối với dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước trên địa bàn huyện Mê Linh, theo ông Trần Huy Dũng - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP, một số cán bộ, đảng viên tại cơ sở chưa đồng thuận về chủ trương thực hiện dự án, phản ứng, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Một số người có biểu hiện kích động, chống đối, cản trở GPMB, ngăn cản không cho các hộ dân khác phối hợp với cơ quan chức năng nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Trung tâm đã có báo cáo quá trình thực hiện công tác GPMB dự án này tới Thành ủy và UBND TP.
Ông Hà Huy Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh nêu lên những kiến nghị, phản ánh tập hợp từ kiến nghị của Nhân dân băn khoăn, liệu quy hoạch dự án có đảm bảo quy định khoảng cách an toàn về VSMT? Trong khi đó, bà Lê Y Linh (Công ty CP Đầu tư Hoa Sen Vàng) - chủ đầu tư dự án này thừa nhận, trong quá trình lên phương án xây dựng tường rào chống tái lấn chiếm đã vấp phải sự phản đối của người dân xung quanh vùng dự án.
Đối với dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ (giai đoạn I), đại diện Ban Chỉ đạo GPMB TP cho biết, mặc dù đã được TP giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách theo đề xuất của huyện Ba Vì, nhưng kết quả thực hiện công tác GPMB tính đến thời điểm hiện nay vẫn rất hạn chế và khối lượng công việc GPMB còn lại rất lớn.
Đẩy nhanh tiến độ
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh, các dự án nghĩa trang trên địa bàn TP đều thực hiện theo quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên các chủ đầu tư có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đối với dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước, hiện vẫn còn gần 200 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng. Thành ủy cũng đã có ý kiến chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo đó, trong tháng 4, UBND huyện Mê Linh tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án theo đúng chủ trương của Nhà nước. Đối với các hộ không chịu di chuyển, bàn giao mặt bằng, sẽ xử lý hành chính, biện pháp cuối cùng sẽ thực hiện cưỡng chế. Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu Công an TP tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ Công an huyện Mê Linh thực hiện phương án đảm bảo an toàn, trật tự công cộng khi Trung tâm Phát triển Quỹ đất tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất; kiên quyết xử lý các trường hợp cản trở việc nhận tiền, cản trở thi công dự án, các trường hợp kích động gây mất trật tự công cộng.
Việc lập quy hoạch, triển khai, xây dựng các nghĩa trang tập trung trên địa bàn Hà Nội là chủ trương của TP, rất cần sự chỉ đạo sát sao, vào cuộc của các quận, huyện, các cấp, các ngành. Để sớm thực hiện được chủ trương này, các cơ quan chức năng, chính quyền các quận, huyện phải làm tốt công tác tuyên truyền, để người dân thay đổi về ý thức, thấy được mình cần phải có phần trách nhiệm trong đó. Đây cũng là điều kiện để Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô có tính khả thi cao.
Đối với nghĩa trang tập trung liên tỉnh, sẽ đóng cửa nghĩa trang Yên Kỳ 1 (huyện Ba Vì) và mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ 2 (huyện Ba Vì) đến năm 2020 khoảng 203,8ha, đến năm 2030 khoảng 583ha. Đối với nghĩa trang tập trung cấp TP: Đóng cửa các nghĩa trang Sài Đồng (quận Long Biên), Văn Điển (huyện Thanh Trì) và cải tạo thành công viên nghĩa trang. Ngoài ra, mở rộng nghĩa trang tập trung Vĩnh Hằng (huyện Ba Vì) với quy mô 37ha lên 87ha đến năm 2020; quy hoạch, cải tạo, mở rộng nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh) thành công viên nghĩa trang với quy mô 7ha lên 23ha đến năm 2030.
Ngoài ra, hàng loạt nghĩa trang được xây dựng mới trên địa bàn TP, gồm: Nghĩa trang Minh Phú và Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), nghĩa trang Xuân Nộn (huyện Đông Anh), nghĩa trang Trung Màu (huyện Gia Lâm), nghĩa trang Trần Phú (huyện Chương Mỹ), nghĩa trang Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên)...
Vướng mắc giải phóng mặt bằng
Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Có 2 nội dung thu hồi đất mà người dân phản đối nhiều, đó là việc lấy đất xây dựng các dự án xử lý rác thải và đất làm nghĩa trang. Người dân phản đối vì không muốn ảnh hưởng tới cuộc sống, môi trường xung quanh mình. Cụ thể, quyết định thu hồi đất để mở rộng nghĩa trang Thanh Tước của UBND TP Hà Nội đưa ra từ lâu song chưa thực hiện được vì dân phản đối. Nếu ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, chính quyền địa phương cần lắng nghe ý kiến phản ánh. Nhưng đây cũng là vấn đề mà cuộc sống đặt ra cần phải thực hiện, người dân phải thấy rằng mình có phần trách nhiệm trong đó. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải làm công tác tuyên truyền, vận động người dân và làm tốt công tác chính sách. Những nơi chịu tác động nên có chính sách hợp lý hoặc cách làm khác đi, người dân sẽ đồng tình. Ví dụ, tại TP Hồ Chí Minh, có một Việt kiều đầu tư làm cơ sở xử lý rác nhưng rất sạch sẽ, hình thức bên ngoài như một công viên xanh khiến người dân rất đồng tình, ủng hộ. Bộ trưởng Bộ TN&MT
Nguyễn Minh Quang |
Nên xây nghĩa trang theo hướng công viên xanh Hiện nay, đa số người dân chưa đồng tình với việc xây dựng nghĩa trang ở trên địa bàn mình sinh sống. Nếu xây dựng nghĩa trang ở gần khu dân cư sẽ gây ô nhiễm môi trường, gây ra phản ứng của người dân. Ở các nước cũng có trường hợp người dân phản đối chính quyền xây dựng nghĩa trang, các cơ sở xử lý rác thải, được gọi là phong trào Nimby (Not in my backyard - Không ở gần tôi). Phong trào Nimby được biết đến với những hoạt động của người dân, nhằm phản đối các dự án được xem là có hại cho môi trường hoặc ảnh hưởng đến đời sống dân cư xung quanh. Tôi từng đến dự một đám tang ở TP Moscow (Nga), trong công viên nghĩa trang có cỏ cây xanh tốt. Dưới mỗi ngôi mộ đều trồng một cây bạch dương, khung cảnh rất yên bình, và có nhiều người dân đến chơi, thư giãn. Tôi tin rằng, nếu thực hiện các nghĩa trang cách xa khu dân cư, hoặc theo hướng công viên xanh, sử dụng hình thức hỏa táng văn minh, người dân sẽ đồng tình, ủng hộ. Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Phạm Sỹ Liêm
|