Đừng khoán trắng cho nhà trường ngăn bạo lực học đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồi chuông báo động về vấn đề bạo lực học đường đã rung lên từ rất lâu, nhưng đến thời điểm này, người ta vẫn thấy vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí thiếu kỹ năng trong xử lý tình huống.

Hồi chuông báo động về vấn đề bạo lực học đường đã rung lên từ rất lâu, nhưng  đến thời điểm này, người ta vẫn thấy vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí thiếu kỹ năng trong xử lý tình huống. Điều này càng được thấy rõ hơn khi mới đây, Tổ chức Plan tại Việt Nam phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội mở cuộc bàn tròn “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” để tìm biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường.

Những con số 

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Plan với 3.000 học sinh (HS) ở 30 trường THCS, THPT của Hà Nội trong 6 tháng qua cho thấy, hơn 71% đã bị bạo lực giới trong trường học, trong đó, 19% bị bạo lực tình dục khi ở trường. Khoảng 80% HS cho biết, từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần, trong đó, bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều...) chiếm tỷ lệ cao nhất 73%; bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai...) là 41% và bạo lực tình dục (tin nhắn với nội dung tình dục, sờ, hôn, yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục, lan truyền tin đồn tình dục...) chiếm 19%.

 
Tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh góp phần giảm thiểu bạo lực học đường.         Ảnh: Công Hùng
Tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh góp phần giảm thiểu bạo lực học đường. Ảnh: Công Hùng
 
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy, HS nam ở cả hai cấp THCS, THPT phải đối mặt với tần suất bạo lực thể chất lẫn tinh thần khá cao, kể cả khi ở trường hay trên đường đi học. Trong khi đó, nữ sinh THPT lại thường bị xâm hại và quấy rối tình dục, chủ yếu trên đường đi học và về nhà. Bạo lực thể chất xảy ra với HS THCS (50%) nhiều hơn THPT (25%). Mức độ an toàn ở nhà trường được các em đánh giá rất thấp. Nhà vệ sinh được coi là nơi kém an toàn nhất do giáo viên khó quản lý và HS đôi khi đi nhầm bên, ném đồ của bạn sang phòng khác giới...

Thay đổi nhận thức

Để ngăn chặn bạo lực trong và ngoài trường học, đa số các ý kiến của phụ huynh, giáo viên và HS đều cho rằng cần tuyên truyền sâu rộng cách phòng, chống bạo lực trong nhà trường; lồng ghép tuyên truyền trước cờ, buổi sinh hoạt lớp... kỹ năng ứng xử. Khi được tuyên truyền đầy đủ cách phòng, chống, tình trạng này sẽ giảm. Điển hình như cô Đỗ Thị Thu Hồng – Phó Hiệu trưởng trường THCS Vạn Thắng (huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây khá phổ biến tình trạng giáo viên, lãnh đạo nhà trường có hành vi mắng, phạt HS... Điều này do thầy cô chưa có hiểu biết về bạo lực nên vô tình mắc phải. Sau khi được chia sẻ kiến thức từ dự án, các giáo viên trong trường đã thay đổi cách làm, có biện pháp xử lý phù hợp hơn”. 

Về phía HS, em Trần Hải Hà Linh (trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông) cho biết, ở trường chủ yếu là bạo lực về tinh thần như tẩy chay, HS này bắt nạt HS kia... Bạo lực học đường ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, làm cho các bạn HS không muốn đến trường. “Ở trường em, tình trạng đánh nhau không nhiều, nhưng vấn đề quấy rối tình dục, bắt nạt, tẩy chay… lại khá phổ biến. Tuy nhiên, khi xảy ra các vụ bạo lực, chỉ một số gọi điện thoại cho thầy, cô giáo, còn lại tự giải quyết hoặc đành nhẫn nhịn chịu đựng mà không dám báo cáo nhà trường hay gia đình. Theo em, khi xảy ra những việc nhẹ nhàng, có thể nhờ đến cán bộ lớp, thầy cô giáo, nặng hơn thì báo cáo Ban Giám hiệu hoặc cơ quan chức năng để có những biện pháp giải quyết, sẽ tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra” – Linh bày tỏ. 

Các đề xuất được đưa ra ở những góc nhìn khác nhau về bạo lực học đường, tuy nhiên, điểm chung là sự thừa nhận: Bạo lực học đường để lại những hậu quả tâm lý nặng nề. Một mình nhà trường không thể giải quyết được tận gốc tình trạng này. Nói như ông Nguyễn Trương Nam – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học: “Việc ngăn chặn hành vi bạo lực trong trường học, bạo lực giới với HS cần có sự vào cuộc của cả nhà trường, phụ huynh và các cơ quan chức năng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần