Các ngân hàng quyết định giảm LSCV 0,5% với các đối tượng khách hàng ưu tiên nhằm hỗ trợ DN là câu chuyện được thị trường hoan nghênh. Quyết định đó diễn ra đúng vào thời điểm nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đồng loạt cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, đã làm cho thị trường kỳ vọng sẽ có một làn sóng ngân hàng cắt giảm sâu LSCV. Thực tế có như kỳ vọng?
Chỉ làm “màu” thôi
Không thể phủ nhận việc các ngân hàng cổ phần nhà nước quyết định cắt giảm LSCV là hưởng ứng chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (1/1/2018). Tuy nhiên, khi được hỏi các ngân hàng khác có theo phong trào không, giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần tư nhân tại TP Hồ Chí Minh phát ngay: “Họ có điều kiện giá mua vốn rẻ nên có thể giảm giá bán vốn được, còn các ngân hàng khác rất khó, hơn nữa đây cũng làm “màu” thôi vì DN khó đủ chuẩn ưu tiên để vay”.
Đầu năm 2016, Agribank thông báo khá nhiều chương trình cho vay ưu đãi, trong đó có chương trình dành 50.000 tỷ đồng cho vay “nông nghiệp sạch” với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%. Thế nhưng dư nợ cho vay chương trình này của ngân hàng đến 30/4/2018 (sau hơn 2 năm) là 5.108 tỷ đồng, chỉ đạt 10,2% kế hoạch, xem như khó thành công.
Tương tự lãi suất giảm 0,5 - 1,5%, đầu năm 2018, Chính phủ khởi xướng gói 100.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao đã được 8 ngân hàng hưởng ứng toàn bộ. Nhưng đến nay kết quả thực tế ra sao không có báo cáo, chỉ biết sau nửa năm triển khai chương trình này vẫn bất động. Rất nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi được các ngân hàng công bố nhưng không báo cáo con số thực hiện nên khó kiểm chứng kết quả.
Việc triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi là chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng. Một mặt ngân hàng san sẽ bớt khó khăn cho DN nhưng, và có lẽ quan trọng nhất giúp ngân hàng xây dựng thương hiệu của mình. Đến đây cho thấy câu chuyện giảm lãi suất của một số ngân hàng hiện nay dường như không liên quan với đồn đoán tăng giảm lãi suất trên thị trường. LSCV giảm hay sẽ tăng nằm ở vấn đề khác.
Nhiều yếu tố kích tăng đè cơ hội giảm
Nếu nhìn một cách lạc quan hiện tại các biến vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, hay tăng trưởng đang ở tầm kiểm soát và ổn định, nên sẽ chưa có động thái can thiệp tiền tệ nào từ NHNN. Đó là môi trường vĩ mô tốt cho ổn định lãi suất. Việc NHNN cắt giảm 0,25% lã suất tín phiếu, từ 3% xuống còn mức 2,75% giữa tháng 7 vừa rồi chỉ là động thái mang tính kỷ thuật trong điều tiết cung cầu tiền tệ hàng ngày, không vì mục đích can thiệp lãi suất thị trường.
Trước nguy cơ kinh tế toàn cầu sụt giảm NHTW nhiều nước đã chủ động cắt giảm lãi suất, sau Fed là NHTW các nước như New Zealand, Ấn Độ, Thái Lan… và danh sách giờ đây đã dài hơn. Do đó, đã xuất hiện ý kiến từ một nhà khoa học lớn cho rằng: “Chẳng lý nào NHNN không tìm ra công cụ phi truyền thống hay đặc thù nào của thể chế, buộc các ngân hàng cắt giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với nền kinh tế”.
Đây không phải bài phản biện ý kiến nêu trên, song nên nhớ không có một NHTW nước nào làm được chuyện đó. NHNN Việt Nam đang điều hành chính sách tiền tệ quốc gia theo hướng phù hợp thông lệ quốc tế lại điều hành theo mệnh lệnh hành chính là sao? Mặt bằng lãi suất là câu chuyện của thị trường, muốn can thiệp thì NHNN chỉ bằng thông qua các công cụ chính sách tiền tệ (truyền thống) sao lại bắt ép được ngân hàng thương mại?
Xu hướng giảm lãi suất trên thị trường thế giới là không bàn cãi. Tuy vậy trong ngắn hạn, ít nhất đến năm 2020, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng không những không giảm mà có nguy cơ tăng đã rõ ràng do nhiều yếu tố nội tại kích tăng đè nặng cơ hội giảm. Thị phần tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng đang bị co lại, đẩy lãi suất huy động lên cao.
Tổng nguồn tiền tiết kiệm trong nền kinh tế tại một thời điểm cụ thể là không đổi. Chủ sở hữu sẽ bỏ tiền vào nơi có mức sinh lời hấp dẫn và an toàn. Trái phiếu đang được DN phát hành có mức lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng từ 3,5 - 5,4% cho dù có rủi ro cao hơn thì nhiều người vẫn lựa chọn.
Quy mô huy động vốn trái phiếu đã tăng và sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Không những DN tăng nhu cầu vốn trái phiếu thay thế vốn vay ngân hàng đang khó, mà các ngân hàng cũng trong xu hướng đẩy mạnh phát hành trái phiếu để hoàn thành chỉ tiêu vốn cấp 2 vào đầu năm 2020 theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Hiện đang nhiều ngân hàng như Agribank, VietinBank và Eximbank đang thông báo phát hành 5.000 tỷ đồng vốn trái phiếu cho mỗi ngân hàng. Mức lãi suất trái phiếu của Agribank đang dự kiến khoảng 8,1 - 8,2%, cao hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng tại chính ngân hàng từ 1,2 - 1,3%. Thực tế lãi suất trái phiếu ngân hàng đã lên mức đó thì lãi suất trái phiếu của các DN khó dưới mức 12 - 13%, thậm chí hơn.
Nếu tính từ ngày 8/6 đến 21/8 (73 ngày) giá vàng trong nước tăng 4,45 triệu đồng/lượng, tương đương gần 12%. Giá vàng trong nước tăng do giá vàng thế giới tăng. Nguyên nhân của việc tăng giá vàng do bất ổn từ chiến tranh thương mại MỸ - Trung, nhưng chủ yếu do Fed tuyên bố ngừng tăng lãi suất và chính thức cắt giảm suất 0,25% vào ngày 1/8 sau 11 năm.
So với đợt sóng vàng dữ dội kéo dài vào năm 2011 - 2013 thì đợt sóng vàng lần này chưa xuất hiện tình trạng đầu cơ vì số lượng người tham gia giao dịch chưa tấp nập và chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuất hiện chưa đáng kể. Tuy vậy, vàng vẫn là nơi ẩn nấp an toàn cuối cùng. Đầu tư vàng bắn một phát đạn trúng 2 mục đích, vừa đầu cơ kiếm lời vừa nắm giữ tài sản an toàn. Cho nên sẽ có một dòng tiền lớn được rút ra từ tiết kiệm đổ vào thị trường vàng.
Bên cạnh vàng là bất động sản. Từ cả chục năm nay thị trường bất động sản phát triển trên lưng nguồn vốn cấp từ ngân hàng và ứng trước của khách hàng. Hiện NHNN đang tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thắt chặt hạn chế tỷ trọng tín dụng bất động sản để tránh rủi ro tiềm ẩn.
Do đó, các DN bất động sản một mặt tìm cách phát hành trái phiếu, mặt khác đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm dựa vào nguồn vốn cá nhân dưới hình thức ủy thác đầu tư, liên kết đầu tư. Biểu hiện rõ nhất là dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Thay vì đầu tư tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, nhiều cá nhân/gia đình đã lựa chọn hình thức đầu tư ủy thác hoặc đầu tư trái phiếu bất động sản có lãi suất cao.
Khi thị phần huy động vốn bị co hẹp đương nhiên ngân hàng sẽ dùng các “chiêu” hợp pháp để giành giật. Hiệu quả nhất là cạnh tranh lãi. Thực tế những ngày gần đây đồng loạt nhiều ngân hàng đua nhau tăng lãi suất với mức chênh lệch rất cao so với trước là câu chuyện tự nó đã minh chứng.
Chẳng hạn mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi tại Viet Capital bank loại kỳ hạn 24 tháng là 9,5%, loại kỳ hạn 60 tháng là 10,2%; tương tự tại VietA Bank là 9,1% với kỳ hạn 24 tháng; VIB là 9,1% với kỳ hạn 61 tháng;… ABBank lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tăng từ 7,7% lên 8,5%; tương tự SHB tăng từ 7,2% lên 8,1% cho kỳ hạn 12 tháng… Danh sách ngân hàng tăng lãi suất còn kéo dài và sẽ phủ sóng các ngân hàng tư nhân.
Như vậy, giảm LSCV đã trở nên không tưởng với hàng loạt ngân hàng. Điều này đặt các ngân hàng đứng trước một trong hai lựa chọn, hoặc hy sinh lợi nhuận để không tăng LSCV, hoặc bảo toàn lợi nhuận buộc tăng LSCV. Đương nhiên ngân hàng sẽ không chịu làm không cho ai cả. Giờ đây đã đủ cảm nhận sự vô lý trong ý kiến đòi hỏi NHNN phải ép các ngân hàng cắt giảm LSCV của nhà khoa học lớn nói trên.
Xu hướng giảm lãi suất trên thị trường thế giới là không bàn cãi. Tuy vậy trong ngắn hạn, ít nhất đến năm 2020, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng không những không giảm mà có nguy cơ tăng đã rõ ràng do nhiều yếu tố nội tại kích tăng đè nặng cơ hội giảm. Thị phần tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng đang bị co lại, đẩy lãi suất huy động lên cao. Khi thị phần huy động vốn bị co hẹp đương nhiên ngân hàng sẽ dùng các “chiêu” hợp pháp để giành giật. Hiệu quả nhất là cạnh tranh lãi suất. Thực tế những ngày gần đây đồng loạt nhiều ngân hàng đua nhau tăng lãi suất với mức chênh lệch rất cao so với trước là câu chuyện tự nó đã minh chứng. |