Lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu
Thời gian gần đây, việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu tại các trường học đã gây bức xúc cho nhiều phụ huynh và xã hội. Ngành giáo dục đã có nhiều chỉ thị để ngăn chặn tình trạng này, nhưng vẫn còn phổ biến. Các khoản thu bất hợp lý như tiền bảo trì hay mua sắm không đúng quy định thường lén lút diễn ra.
Nhiều khoản thu được ngụy trang dưới hình thức quỹ xã hội hóa, làm phụ huynh dễ bị mắc lừa. Đặc biệt, Ban đại diện cha mẹ học sinh, dù có mục đích tốt là hỗ trợ quản lý giáo dục, đôi khi lại trở thành công cụ để huy động tài chính từ phụ huynh.
Đơn cử trong những ngày gần đây tại TP Hồ Chí Minh nhiều vụ lạm thu tại các trường học gây bức xúc trong dư luận:
Ngày 2/10, trên mạng xã hội xuất hiện bảng thu chi đầu năm của quỹ lớp học tại trường THCS Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), với tổng thu là 70 triệu đồng từ 47 học sinh. Chi phí đã sử dụng tính đến hôm nay gồm: cô chủ nhiệm 5 triệu đồng, máy lạnh 38,48 triệu đồng, kệ dép 1,7 triệu đồng, máy chiếu 12,8 triệu đồng, khăn trải bàn 385.000 đồng, bóng đèn 990.000 đồng, ghế giáo viên và tủ 2,5 triệu đồng, vệ sinh lớp 1 triệu đồng, sơn lớp và thay bóng đèn 3 triệu đồng. Tổng chi là 65,855 triệu đồng. Quỹ lớp còn dư 4,145 triệu đồng.
Hoặc như ngày 1/10, thông tin về bản dự thảo chi tiêu do Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 6/10 Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Theo bảng dự thảo, lớp 6/10 dự kiến năm học 2024 – 2025 sẽ có 12 hoạt động, như: Vui Tết Trung Thu, tài trợ 3 quạt máy, thuê trang phục biểu diễn, hoa chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, trang trí cho các dịp lễ, và trích 300.000 đồng/học sinh để hỗ trợ trường.
Cụ thể, hoạt động trang trí đón ngày Nhà giáo Việt Nam và Tết Nguyên đán tốn 2,5 triệu đồng mỗi lần. Các hoạt động khác từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng.
Lớp cũng có dự thảo tri ân cho ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng sẽ nhận 1 triệu đồng, giáo viên quản sinh và 2 phục vụ 300.000 đồng mỗi người; 11 giáo viên bộ môn 500.000 đồng mỗi người; hoạt động cuối năm 1 triệu đồng.
Ban phụ huynh dự kiến thêm kinh phí liên hoan 489.000 đồng/em. Tổng kinh phí hoạt động của lớp là 1.899.000 đồng/em, thu trước khi tổ chức. Một em trong lớp dự kiến đóng 1.410.000 đồng/năm.
Có nên xóa bỏ Ban đạn diện cha mẹ học sinh?
Dư luận cho rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng lạm thu trên xuất phát từ Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tại các trường hiện nay. Do đó, muốn xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu trên, nên chăng phải xóa bỏ các ban đại diện này.
Về vấn đề này, đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định rằng việc duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh là rất cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc phối hợp với nhà trường nhằm đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Trước đó Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2024-2025
Theo đó, nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Trong đó cần lưu ý một số nội dung như sau:
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh do Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Không sử dụng các khoản kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh cho các mục đích sau (điểm b, khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT): “Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”