Đứng ngồi không yên vì... ODA

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn vay ưu đãi nước ngoài (ODA) là nguồn lực hỗ trợ quan trọng cho phát triển trong thời gian tới khi hiện nay còn nhiều vấn đề bức xúc về vốn mà nguồn NSNN chưa đủ như phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, giao thông… Tuy nhiên, tiến độ giải ngân nguồn vốn này lại rất thấp.

 Có nhiều lý do kìm hãm tiến độ giải ngân vốn ODA. Ảnh minh họa
Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020 nhưng tỷ lệ giải ngân vốn ODA cả nước mới đạt bằng 30,15% kế hoạch (18.089 tỷ đồng/60.000 tỷ đồng). Thực tiễn trên khiến Chính phủ cũng đứng ngồi không yên, yêu cầu phải xác định rõ các căn nguyên, những vướng mắc cản trở việc thực hiện và giải ngân các dự án, đưa ra giải pháp quyết liệt, hành động hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 
Có nhiều lý do kìm hãm tiến độ giải ngân như Covid-19, việc đền bù giải tỏa không đạt tiến độ kéo theo thi công bị chậm trễ, do đó giải ngân ODA chậm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như thủ tục đầu tư, vướng mắc về thủ tục giải ngân, rút vốn; kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu vốn so với nhu cầu và phân bổ chậm; đặc biệt là việc điều chỉnh kế hoạch vốn cứng nhắc, không thể điều chỉnh vốn từ dự án thừa vốn sang dự án thiếu vốn.

Thực tế, không chỉ năm nay mà trong giai đoạn 2016 - 2020, vốn ODA cũng ì ạch. Tỷ lệ này trong năm 2017 đạt 68,3%, năm 2018 là 43% và hết năm 2019 chỉ đạt 39,89% kế hoạch. Hiện có 8 bộ đã có văn bản chính thức xin hoàn trả vốn ODA với con số lên tới 3.700 tỷ đồng, tương đương 32% dự toán được giao.

Kể từ năm 2021, khi Việt Nam bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình cũng có nghĩa là “tốt nghiệp lớp ODA”, nguồn vốn này sẽ không còn nữa. Do đó, việc không triển khai vốn đã phân bổ không chỉ gây lãng phí về thời gian mà còn cả nguồn lực do không tận dụng được hết cơ hội cuối cùng sử dụng vốn ODA.

Từ nay đến cuối năm còn lượng vốn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch Thủ tướng giao chưa được giải ngân. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này.

Để thúc đẩy giải ngân cũng như sử dụng hiệu quả hơn vốn ODA, cần lựa chọn thận trọng, thu hẹp lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, ưu tiên phân bổ cho các dự án quan trọng, sẵn sàng điều chuyển vốn từ các dự án chậm triển khai sang các dự án giải ngân nhanh, đồng thời phải đưa ra những quy chế rõ ràng, có thưởng có phạt cho các đơn vị làm tốt hoặc không tốt. Chỉ khi các bộ, ngành coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân là nhiệm vụ chính trị quan trọng, kèm theo đó là cam kết tiến độ và giải pháp cụ thể để thiết thực giải ngân làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ… thì khi đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và ODA mới có thể về đích an toàn, hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần