Đúng, nhưng cần có lộ trình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư 68/2013/TT-BGTVT (Thông tư 68) của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có hiệu lực từ 1/4/2014 quy định "Thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành" chỉ có Thanh tra viên (Thanh tra được cấp thẻ công chức Thanh tra - PV) mới được phép lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Quy định này đang gây khó cho lực lượng Thanh tra GTVT các địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội. Bởi thực tế với địa bàn rộng, số lượng Thanh tra viên ở các quận, huyện đang quá thiếu, nên việc vừa tuân thủ theo đúng quy định, vừa đảm bảo xử lý kịp thời các vi phạm sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Xử lý vi phạm sẽ gặp khó

Theo thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 600 Thanh tra GTVT. Nghe qua thì tưởng nhiều, nhưng nếu chia đều cho 29 đội Thanh tra GTVT quận, huyện và các đội chuyên ngành, thì mỗi đội cũng chỉ có khoảng từ 15 - 18 người. Trong đó, số thanh tra được cấp thẻ công chức và người được quyền lập biên bản xử phạt hành chính theo quy định của Thông tư 68 chỉ có 78/600 người, bình quân, mỗi đội sẽ chỉ có khoảng 2 - 3 người.
Đội Thanh tra GTVT Cầu đường bộ lập biên bản xử lý vi phạm trên QL 2.                    Ảnh: Trình Vũ
Đội Thanh tra GTVT Cầu đường bộ lập biên bản xử lý vi phạm trên QL 2. Ảnh: Trình Vũ
Trao đổi với chúng tôi, đa số các Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT ở các quận, huyện cho rằng, chỉ còn gần 1 tháng nữa, Thông tư 68 sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT đô thị trên địa bàn Hà Nội sẽ cực kỳ khó khăn. Vẫn biết quy định về mặt pháp luật của Thông tư 68 là hợp lý, tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu thực hiện theo đúng quy định, lực lượng Thanh tra GTVT sẽ không phát huy được hết hiệu lực, hiệu quả công việc của mình. Lý giải về điều này, một số Thanh tra GTVT cho biết, nếu như trước đây, chỉ cần Thanh tra có thẻ Nhân viên kiểm tra là được phép lập biên bản xử phạt hành chính các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, theo Thông tư 68, chỉ có Đội trưởng, Đội phó và một số ít thanh tra được phép lập biên bản xử phạt hành chính. Vì vậy, khi phát hiện vi phạm, thay vì lập biên bản tại chỗ, các Thanh tra GTVT sẽ phải đưa các giấy tờ và mời người vi phạm về trụ sở đội để lập biên bản. Đó là giờ hành chính, còn ngoài giờ hành chính thì không biết xử lý ra sao…

Sớm có hướng dẫn

Đánh giá về chất lượng của đội ngũ Thanh tra GTVT Hà Nội, ông Trần Văn Trường - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, trong những năm qua, ngoài việc thực hiện tốt những công việc chuyên môn, Thanh tra GTVT Hà Nội đã tích cực triển khai các kế hoạch đột xuất mà Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu. Năm 2014, Bộ GTVT đã yêu cầu Sở GTVT tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra hoạt động vận tải, xử lý tận gốc tình trạng xe khách xuất bến không đảm bảo an  toàn giao thông… Đây là một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn, đặc biệt khi Thông tư 68 chính thức có hiệu lực.

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc hài hòa giữa thực hiện đầy đủ Thông tư 68 và phát huy được vai trò của Thanh tra Sở GTVT trong xử lý vi phạm là một trong những nhiệm vụ được Sở đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển đội ngũ Thanh tra có chất lượng, đảm bảo đúng các quy định của Thông tư 68 cần phải có thời gian, có lộ trình cụ thể. Hiện tại, Sở GTVT đã yêu cầu Chánh thanh tra Sở GTVT lập danh sách, tổ chức cho các Thanh tra thi lấy thẻ Thanh tra viên theo đúng quy định. Đây là việc làm không thể thực hiện ngay được. Do vậy, đề nghị Bộ GTVT có hướng dẫn, chỉ đạo pháp lý để Thanh tra Sở GTVT phát huy được tối đa hiệu quả.

Năm 2014 được UBND TP Hà Nội chọn là "Năm trật tự văn minh đô thị", với việc yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, xử lý những trường hợp vi phạm trật tự ATGT đô thị để tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Thế nhưng, với quy định "bó buộc" lực lượng Thanh tra GTVT trên, nguy cơ các vi phạm trật tự ATGT đô thị trên địa bàn TP sẽ tiếp tục tái diễn.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần