Đừng sa lầy trong sự so đo

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn ít ngày nữa, tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa sẽ đi vào hoạt động.

Trong khi người dân Hà Nội còn đang bán tín bán nghi về tính hiệu quả của mô hình mới mẻ này, nhiều luồng ý kiến bất đồng dường như lại đang cố thổi bùng lên những phản ứng tiêu cực.

 Thử nghiệm xe buýt nhanh BRT tại Bến xe Kim Mã. Ảnh: Ngọc Hải

Không thể phủ nhận buýt BRT khá đắt (53,6 triệu USD đầu tư), đắt hơn nhiều loại hình xe buýt thông thường; mà cái sự đắt lại đi kèm với những hồ nghi về hiệu quả nên hẳn nó phải bị mổ xẻ, tính toán cho kỳ cùng, đó cũng là lẽ thường. Nhưng nhìn theo một góc độ khác, buýt BRT là mô hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn đầu tiên của Hà Nội. Nó cũng là một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho mạng lưới VTHKCC đủ năng lực cho một TP đang chật chội thêm, ùn tắc thêm mỗi ngày. Quan trọng hơn, nó là điểm khởi đầu cho sự thay đổi, từ thói quen đi lại hàng ngày, cách thức vận tải cho đến văn hóa cộng đồng. Mỗi chiếc xe buýt BRT có thể chở đến 90 người, gấp rưỡi xe buýt thường (60 người). Mỗi giờ, xe buýt BRT có thể vận chuyển từ 1.400 - 1.800 lượt hành khách; trước mắt sẽ rút ngắn từ 5 - 10 phút hành trình, và tương lai sẽ còn ngắn hơn nữa. Xe buýt BRT thu ngắn thời gian hành trình được vì nó sử dụng làn đường riêng, chạy thẳng, không tạt vào, lách ra để đón trả khách. Nếu được thực hiện một cách bài bản, ưu tiên tuyệt đối thì không chỉ 5, 10 phút mà mỗi chuyến xe còn có thể tiết kiệm thêm hàng chục phút nữa. Cái khó bó cái khôn, xe cá nhân nhiều quá, đường Hà Nội lúc nào cũng chật cứng xe máy, ô tô riêng nên tất yếu BRT chưa thể phát huy hết khả năng của nó. Nhưng nếu ai đã từng đi xe buýt thường, từng chen chúc, chạy đua với nhau để lên được xe buýt, từng nhấp nhổm đếm mỗi phút giây xe buýt thường kẹt cứng trong dòng xe cộ trong giờ cao điểm hẳn sẽ hiểu 5, 10 phút ấy quý giá đến nhường nào, một chiếc xe 90 chỗ sẽ khác biệt thế nào với xe 60 chỗ.

Mặt khác, xe buýt BRT chạy thẳng, dừng đỗ cũng trong một làn đường riêng giữa hai chiều đi lại. Không ngoặt vào, rẽ ra, xe buýt BRT sẽ không làm ngắt quãng dòng phương tiện di chuyển trên đường, không gây thêm ùn ứ và quan trọng nhất là không gây ức chế cho các loại phương tiện khác đi sau. Còn một ưu điểm nhỏ mà thực quá ít dư luận “màng” tới, đó là xe buýt BRT có sàn đồng mức để người khuyết tật với xe lăn hay đôi nạng chống lên xuống dễ dàng. Cái ưu điểm tưởng bé tí tẹo này là cứu cánh cho hàng ngàn người khuyết tật với mức thu nhập thấp ngày ngày vẫn phải bôn ba kiếm sống. Vậy cái giá cho buýt BRT có đắt đến mức phải dị nghị hay không?

Thói quen đi lại bằng xe cá nhân đã ăn sâu vào tiềm thức đại bộ phận người dân Hà Nội. Muốn thay đổi nó phải có một mạng lưới VTHKCC đủ năng lực vận chuyển, đem lại những tiện ích thiết thực. Xe buýt BRT mang đến một khái niệm hoàn toàn mới cho VTHKCC với năng lực đáp ứng lớn hơn, tiện ích hơn. Câu hỏi đặt ra là: Giờ đây, người Hà Nội có sẵn sàng thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân để chuyển sang đi xe buýt? Có sẵn sàng nhường đường để xe buýt lưu thông nhanh hơn, thuận lợi hơn? Chúng ta sẽ thay đổi để giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông hay sẽ sa lầy trong chính sự so đo, bảo thủ của mình?