Theo ông Minh, chiều 10/7, đơn vị nhận được thông báo tàu VTB 26, trọng tải hơn 5.100 tấn chở 4.700 tấn than từ Quảng Ninh tới cảng Cửa Lò, đã đến cảng của Đại lý Bến Thủy. Cảng vụ sau đó cho phép tàu này đến vùng neo đậu gần khu vực đảo Ngư chờ kế hoạch.
“Thông thường, khi tàu đến được gần cảng, chủ tàu căn cứ vào nhu cầu của người mua hàng để lập kế hoạch giao nhận hàng. Đồng thời, chủ tàu sẽ làm việc với cảng để sắp xếp thời gian, cầu cảng, thiết bị bốc dỡ, kho bãi... Căn cứ vào tình hình đó, 2 bên sẽ đưa ra một kế hoạch chung và chỉ cần thông báo cho đại diện cảng vụ là có thể cho tàu vào cảng giao hàng”, ông Minh nói. Tuy nhiên, tàu này neo đậu cách cảng gần 3 hải lý suốt 5 ngày nhưng không có kế hoạch vào cảng giao hàng.
Đến ngày 15/7, lực lượng cảng vụ nhận được công điện về diễn biến của Áp thấp nhiệt đới từ Cục hàng hải Việt Nam. Lập tức cảng vụ phát thông báo yêu cầu 47 tàu biển, phương tiện đang hoạt động, neo đậu trong vùng biển Nghệ An, khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú bão.
Một ngày sau, khi bão sắp đổ bộ vào Nghệ An, cảng vụ tiếp tục có văn bản thông báo tới các doanh nghiệp cảng biển, chủ tàu, thuyền trưởng... yêu cầu triển khai ngay công tác phòng chống bão và di dời phương tiện về nơi an toàn. Với những tàu chậm di dời, trực ban cảng vụ đã liên lạc trực tiếp với thuyền trưởng, đại lý của tàu biển yêu cầu lệnh cho tàu khẩn trương di chuyển đến khu vực tránh trú bão, như Hòn Mê, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Tuy nhiên, thuyền trưởng VTB 26 đã không chấp hành.
“Biết họ không chịu di chuyển nhưng chúng tôi không làm gì được. Bởi lúc đó gió đã giật mạnh, phương tiện của đơn vị không thể chạy ra tới nơi để đuổi họ đi”, ông Minh nói và nhận định, có thể thuyền trưởng VTB 26 đã chủ quan trước cơn bão số 2.