Dừng triển khai dự án BT: Giải pháp nào để phát triển hạ tầng?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục đích đẩy nhanh quá trình kiện toàn hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền các địa phương và doanh nghiệp đã thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh nhiều bất cập dẫn đến nhiều dự án BT buộc phải dừng lại hoặc bị hủy bỏ.

Liên quan đến vấn đề trên có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đều chung quan điểm là cần phải có giải pháp để hài hòa trước nhu cầu về hạ tầng ngày càng lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiều bất cập

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã gửi thông báo đến chủ đầu tư của 82 dự án BT yêu cầu dừng triển khai, trong đó có dự án đang chờ ký hợp đồng, dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Trước đó, vào năm 2020, UBND TP Hà Nội chỉ đạo những dự án BT chưa giao nhà đầu tư dừng công tác chuẩn bị đầu tư, như: Dự án cải tạo nâng cấp đường 70 (đoạn Hà Đông - Văn Điển chiều dài 7,5km); Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6, dài 23,1km đoạn Ba La - Xuân Mai... Một số đơn vị đã phê duyệt chủ trương đầu tư cũng phải dừng triển khai gồm: Công ty CP Him Lam, Công ty CP phát triển đô thị Việt Hưng, Công ty CP Đầu tư Trung Việt…

Hầu hết dự án BT đều xảy ra bất cập về công tác đầu thầu, giám sát từ cơ quan Nhà nước.

Trong khi đó, một số dự án BT đã đi vào triển khai, hoạt động cũng xảy ra nhiều vấn đề. Đơn cử như dự án đổi 3,7km đường bao quanh công viên Chu Văn An lấy gần 90ha quỹ đất đối ứng nằm dọc trên đường Nguyễn Xiển. Đến năm 2020 tuyến đường BT mới hoàn thiện, nhưng từ năm 2017, Tập đoàn này đã rao bán những căn biệt thự liền kề, shophouse ở khu đất đối ứng, nghĩa là dự án BT chưa hoàn thành, nhưng đất đối ứng được bán gần xong, với giá từ 100 - 150 triệu đồng/m2. Ở thời điểm ký hợp đồng BT, mức giá tài sản công đối ứng được định giá là 18 triệu đồng/m2, thấp hơn từ 8 - 9 lần so với giá bán thực tế của chủ đầu tư.

Đáng quan ngại, đây chỉ là một trong số rất nhiều dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT “có vấn đề” không chỉ xảy ra trên địa bàn Hà Nội mà là thực trạng chung của 336 dự án BOT, BT trên cả nước đã đi vào triển khai cho đến thời điểm hiện tại. Báo cáo từ Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra điểm chung của các dự án này đều có bất cập về công tác công bố dự án, chỉ định thầu, giám sát lỏng lẻo, xác định giá trị quỹ đất để thanh toán chưa đúng, dẫn đến chênh lệch lớn với giá trị công trình BT...

Ngoài ra, hầu hết dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng làm phát sinh, tăng chi phí đầu tư, không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu, gây bức xúc trong xã hội.

Thực hiện đấu thầu minh bạch

Phó Chủ tịch Thường trực CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho biết, xét về bản chất dự án BT mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì nguồn lực của Nhà nước hiện nay không nhiều, thông qua những dự án BT đã huy động được nguồn lực lớn trong xã hội để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những bất cập từ dự án BT trong thời gian qua xuất phát từ “lỗ hổng” từ pháp luật, cùng sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn dẫn đến việc lợi dụng cơ chế để làm lợi cá nhân.

“Nếu hạ tầng không tốt thì kinh tế không đi nhanh được, Nhà nước cần phải phát huy nguồn lực xã hội để kết cấu hạ tầng phát triển tốt hơn, nhanh hơn, đồng hành với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những bất cập từ triển khai dự án BT xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, do “lỗ hổng” về luật, sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn dẫn đến việc lợi dụng cơ chế để làm lợi cho một số cá nhân” - ông Nguyễn Thế Điệp phân tích.

Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho rằng, thời gian qua trên thị trường liên tục xảy ra tình trạng “sốt đất” ở một số khu vực, điều này có sự liên quan không nhỏ từ những dự án BT, khi có thông tin xây cầu, làm đường, DN được đổi đất để làm dự án BĐS người dân đổ xô đi buôn đất, không ít người đã “ôm hận” vì dự án không thể triển khai. Bên cạnh đó, nhiều DN giàu lên nhanh chóng từ những dự án theo hợp đồng BT, không ít DN sau khi ký hợp đồng chỉ tập trung vào việc bán đất, bán nhà ở phần đất được quy đổi mà “bỏ quên” trách nhiệm đối với việc xây dựng hạ tầng như cam kết.

“Việc TP Hà Nội thông báo hủy hơn 80 dự án BT ở thời điểm này không sớm nhưng cũng chưa muộn, vì thực tế với chừng ấy dự án TP sẽ phải đánh đổi hàng nghìn ha đất, trong khi đó quỹ đất của TP hiện nay không còn nhiều, mà còn cần phải dùng để phát triển nhiều hạ tầng công cộng khác chứ không chỉ tập trung riêng cho những dự án BĐS. Bên cạnh đó, quyết định hủy các dự án BT mới sẽ giúp hạn chế tình trạng sốt đất ở những khu vực đất đối ứng dự kiến giao cho DN và giảm việc đầu cơ BĐS trong thời gian tới” - KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.

KTS Trần Huy Ánh cũng cho biết thêm, nếu quan ngại về việc dừng triển khai những dự án BT mới sẽ làm mất đi nguồn lực để phát triển hạ tầng, Nhà nước nên thực hiện đấu giá công khai, minh bạch diện tích đất công theo đúng mức giá thị trường. Qua đó bổ sung vào ngân sách dùng để phân bổ, đầu tư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sẽ tránh được bất cập đang xảy ra và không cho cơ hội để những DN “cá mập” giàu lên từ hình thức “hàng đổi hàng” bất hợp lý như vậy nữa.

Có nhiều “lỗ hổng” trong quy định pháp lý liên quan đến dự án BT, đơn cử như Luật Đấu thầu, đa phần DN khi đã bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng đều trúng thầu khi tham gia đấu thầu. Hoặc năm 2017 mới ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhiều điều quy định về dự án BT, nhưng 1/1/2018 mới có hiệu lực và không áp dụng được với những dự án BT đã triển khai trước thời điểm đó hay việc cho phép dự án BT được chuyển giao đồng thời với việc thực hiện công trình hạ tầng...

GS. TSKH Đặng Hùng Võ

Pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công quy định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, nhưng không quy định đồng thời thực hiện đấu giá "quỹ đất" hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, mà lại sử dụng "quỹ đất" thanh toán dự án BT. Với cách làm này, thực chất là chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án khác không qua đấu giá, đấu thầu, dẫn đến làm thất thoát tài sản công, giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu