Đừng vắt kiệt sức người lao động

Trần Oanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể mở rộng khung thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm với điều kiện giờ làm việc bình thường giảm xuống còn 40 giờ/tuần, là quan điểm của nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khi chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

 Ông Đặng Ngọc Tùng
Thưa ông, thời gian làm việc chuẩn trong tuần nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình lại có đề xuất giữ nguyên 48 giờ làm việc/tuần. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Từ năm 1886, cuộc đình công của công nhân TP Chicago (Mỹ) đã yêu cầu giới chủ sử dụng lao động thực hiện quy định 8 giờ làm việc một ngày. Hiện các nước châu Âu không còn làm việc 48 giờ/tuần nữa mà giảm xuống còn 40, 36 giờ, thậm chí có quốc gia áp dụng trên 20 giờ. Trung Quốc, Mông Cổ giảm giờ làm xuống còn 40 giờ /tuần, Singapore 44 giờ/tuần thì Việt Nam cũng nên theo xu hướng đó.
Vấn đề hiện nay, cán bộ, công chức trong khu vực Nhà nước làm việc 40 giờ/tuần, trong khi NLĐ tại các DN lại phải làm 48 giờ/tuần. Có nghĩa mỗi năm, NLĐ khối DN làm việc nhiều hơn cán bộ, công chức 416 giờ. Đó là chưa nói tới làm thêm giờ. Vì thế, tôi rất đồng ý với ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh về việc không có lý do gì để quy định công chức làm việc 40 giờ/tuần, còn NLĐ 48 giờ/tuần. Đã đến lúc không nên tạo ra sự bất công với NLĐ.
Nhưng Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã nói, nếu giảm từ 48 giờ làm việc bình thường/tuần xuống 44 giờ, tổng chi phí lao động tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỷ USD/năm?
- Khi giảm số giờ làm việc trong tuần thì năng suất lao động (NSLĐ) tăng lên. Phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cần phải có cơ sở khoa học, nghiên cứu, chứng minh, bởi đây là vấn đề quốc gia đại sự liên quan tới hàng hàng chục triệu NLĐ. Bởi vậy, phải tính giờ làm việc thế nào cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Đã đến lúc phải tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, để NLĐ có thời gian chăm sóc gia đình chứ không phải làm quần quật cả ngày.
Không ít ý kiến cho rằng, khi NSLĐ thấp, NLĐ vẫn phải làm việc 48 giờ/tuần cộng với tăng số giờ làm thêm mới cải thiện tình hình, DN có sức cạnh tranh?
- Tăng NSLĐ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thứ nữa là công tác quản lý của chủ sử dụng lao động, chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh của Chính phủ cũng như điều kiện giao thông vận tải của đất nước. Cuối cùng mới là yếu tố con người có kiến thức để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đáng lẽ ra, khi NSLĐ thấp, DN cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay vì tận dụng sức lao động. Cùng với đó là việc cải tiến chính sách quản lý thật khoa học mới có thể tăng NSLĐ lên.
Vấn đề đặt ra, Việt Nam có nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ, làm sao chủ DN có nhiều kinh phí để nhập trang thiết bị đắt tiền?
- DN lớn hay nhỏ đều có thể áp dụng khoa học kỹ thuật. Tôi biết, có những người hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp nhưng biết cách sử dụng các ứng dụng trên điện thoại vẫn hoàn toàn có thể kinh doanh được. Điều quan trọng là người chủ phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động của DN mình. Đừng vắt kiệt sức của NLĐ.
Khi giảm giờ làm việc xuống 40 giờ/tuần sẽ có tác động thế nào đối với NLĐ và DN?
- Để tránh gây sốc cho DN, Chính phủ và Quốc hội có thể đưa ra lộ trình thực hiện giảm giờ làm. Theo quan điểm của tôi, nên giảm xuống 40 giờ làm việc/tuần, trong trường hợp chưa thực hiện ngay, ít nhất cũng phải còn 44 giờ. Khi giờ làm việc bình thường giảm xuống 40 hoặc 44 giờ thì khung làm thêm có thể nâng lên 400 giờ/năm. Quy định này trước mắt có thể khó khăn cho DN nhưng về lâu dài sẽ có lợi: Mỗi tuần NLĐ trẻ có thêm 4 tiếng để học tập nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, chăm sóc con, hưởng thụ đời sống tinh thần từ đó quay trở lại làm việc NSLĐ hơn.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần