Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng xâm hại “gà đẻ trứng vàng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa du lịch Tết Nguyên đán, nỗi lo xuất hiện những lễ hội kiểu như đạp hoa cải trắng Mộc Châu hay phá hoa mận Bắc Hà lại khiến người dân bản đau đầu. Bởi, việc thiếu ý thức của du khách sẽ giết chết “con gà đẻ trứng vàng” của “chủ nhà”.

Vui chơi cũng phải có ý thức

Không thể phủ nhận ngày càng có nhiều du khách ý thức và quan tâm đến tác động du lịch của họ đối với môi trường. Họ tìm kiếm những sản phẩm, dịch vụ để không chỉ thỏa mãn nhu cầu, mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, tình trạng dẫm, đạp hoa cải trắng ở Mộc Châu, hay hoa tam giác mạch ở Hà Giang, vứt rác bừa bãi tại các điểm đến, viết vẽ bậy lên di tích... vẫn đang diễn ra hàng ngày. Dường như để làm thỏa mãn thú vui của bản thân, nhiều du khách vẫn vô ý làm hại cảnh quan xung quanh, dù họ thừa hiểu những việc làm đó chính là hành động giết hại “con gà đẻ trứng vàng” của người dân bản địa. Hoa cỏ có thể trồng lại được, nhưng việc Vịnh Hạ Long bị ô nhiễm vì rác thải, các di tích bị làm cho biến dạng... thì có bỏ ra vô số tiền bạc, công sức cũng khó cứu vãn.
Khách du lịch quốc tế tại Cao Bằng.  Ảnh: Hồng Hạnh
Khách du lịch quốc tế tại Cao Bằng. Ảnh: Hồng Hạnh
Còn nhớ, mùa tuyết Sa Pa hồi trung tuần tháng 12/2014, người dân địa phương vô cùng bực tức khi du khách thản nhiên vui đùa, dẫm đạp lên những ruộng hoa màu của họ. Giá như trước mỗi chuyến đi, du khách bỏ ra chút thời gian trang bị kiến thức về điểm đến sẽ hiểu được văn hóa, lối sống, phong tục của người dân bản địa và có cách cư xử đúng mực. Nguyễn Thành Trang -  người sáng lập dự án “Đi ý thức” cho dân phượt Hà Nội cho rằng: “Khi đến một nơi nào đó, chúng ta đừng chỉ quan tâm đến việc chụp ảnh. Hãy để ý tới cách ứng xử với bạn đồng hành, người dân bản địa, văn hóa địa phương, với thiên nhiên, phong cảnh nơi bạn đến hay đó là trách nhiệm của bạn đối với chính bản thân mình. Chỉ cần một chút quan tâm, chuyến đi của mỗi người sẽ thêm ý nghĩa”.

Trách nhiệm  không của riêng ai

 Giới chuyên môn cho rằng, nhu cầu của khách du lịch sẽ định hướng cho sự phát triển của ngành, ảnh hưởng lớn tới việc xây dựng các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Qua cách lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, cách chi tiêu, du khách có thể tạo nên tác động mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương và bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch. Cho nên, việc khắc phục tình trạng thiếu ý thức của du khách cần sự chung tay của toàn xã hội.

Từ năm 2011, Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU) đã tạo được một số kết quả bước đầu. Cả du khách và các DN du lịch đã có cái nhìn tôn trọng đối với môi trường và văn hóa, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch. Còn ở góc độ quản lý, các vấn đề bảo vệ môi trường; duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đề cao các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội cũng được bổ sung vào các chính sách, quy hoạch phát triển và quản lý du lịch... Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) Đinh Ngọc Đức cho biết: “Hiện, Dự án EU đã hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn du lịch có trách nhiệm cho các đơn vị lữ hành. Tới đây, Vụ Hợp tác quốc tế sẽ cùng các chuyên gia của Dự án tiếp tục soạn thảo những bộ tiêu chuẩn du lịch có trách nhiệm cho các bên liên quan như nhà hàng, khách sạn, điểm đến...  Sau khi hoàn thành tiêu chí, chúng tôi sẽ có định hướng, chiến dịch, kế hoạch để nâng cao nhận thức xã hội và khuyến khích các bên liên quan áp dụng, hướng tới du lịch có trách nhiệm, từ đó phát triển du lịch bền vững”.

Tin rằng, sau khi những bộ tiêu chuẩn du lịch có trách nhiệm ra đời và được áp dụng, “con gà đẻ trứng vàng” sẽ không còn bị xâm hại. Ước vọng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng sẽ sớm được hiện thực hóa.