Được cờ mà khó phất

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/7, Slovakia đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng còn lại của năm 2016.

Đây là lần đầu tiên Slovakia được giao trọng trách này kể từ khi gia nhập EU vào năm 2004 và sẽ phải mất nhiều năm mới lại một lần nữa được như vậy. Đối với mọi thành viên EU, trở thành Chủ tịch luân phiên của EU chẳng khác gì được trao cờ để tăng cường vai trò, nâng cao ảnh hưởng và gây dựng dấu ấn riêng trong EU. Nhưng đối với Slovakia năm nay, được cờ trong tay thật đấy, nhưng phất được cờ lại là chuyện khác và khó.
Được cờ mà khó phất - Ảnh 1
Nguyên do là EU đang bị khủng hoảng cả về bản sắc lẫn tổ chức thể chế và định hướng phát triển. EU chưa qua khỏi cuộc khủng hoảng đồng tiền chung Euro và chưa giúp được các thành viên thoát ra khỏi hoàn toàn khủng hoảng tài chính và nợ công thì đã vấp phải ngay vấn đề người tị nạn và trào lưu ly khai thể hiện ở chỗ thành viên riêng không chịu tuân thủ quyết định chung của EU và đặc biệt ở việc cử tri Anh biểu quyết trong cuộc trưng cầu dân ý mới rồi đưa nước Anh ra khỏi EU (Brexit). Trong khi đó, khủng bố xảy ra ở nhiều thành viên EU, kinh tế tăng trưởng khó khăn và khúc mắc trong quan hệ với Nga do chuyện xảy ra ở Ukraine ảnh hưởng tiêu cực về nhiều mặt tới EU. Nguyên do là bản thân Chính phủ đương quyền ở Slovakia với Thủ tướng Robert Fico bị phe đối lập chống phá quyết liệt. Thành viên mới và nhỏ này của EU đâu có khả năng làm nên chuyện lớn lao gì cho EU trong thời gian nửa năm tới là Chủ tịch luân phiên của EU.

Ông Fico chủ trương có định hướng mới cho EU cả trong vấn đề người tị nạn lẫn quan hệ với Nga. Slovakia là một trong những thành viên EU không tán thành cách thức đối phó vấn đề tị nạn mà EU đã thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và cũng không hoàn toàn ủng hộ việc EU trừng phạt Nga. Nhưng việc này không dễ thành công vì nội bộ EU phân rẽ. Brexit là chuyện còn dài dài. Triển vọng có được nhiệm kỳ Chủ tịch EU thành công rất mong manh đối với Slovakia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần