Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Được, mất trái phiếu doanh nghiệp] Bài 2: Trong mê trận trái phiếu doanh nghiệp

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt “chiêu” hợp thức hóa mua bán, hàng loạt những lừa dối khách hàng... đã khiến nhà đầu tư vùng vẫy trong mê trận trái phiếu, đặt họ trước rất nhiều rủi ro.

>>> Bài 1: “Hô biến” thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

Apec Group từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 600 triệu đồng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả vì "bán chui" trái phiếu
Apec Group từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 600 triệu đồng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả vì "bán chui" trái phiếu

Mù mờ thông tin, lừa dối khách hàng

Lừa dối khách hàng, che giấu thông tin, sử dụng vốn trái phiếu huy động sai mục đích, bán “chui” và đặc biệt là bẫy lãi suất cao ngất ngưởng… là các chiêu thức “che mắt” nhà đầu tư đã được nhiều DN phát hành trái phiếu sử dụng.

Mới đây nhất, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các đơn vị liên quan. Trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng- Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh và các cá nhân tại Tập đoàn này đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng. Các đợt phát hành này để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt vi phạm hành chính nặng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại Apec Group; đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS.

Cụ thể, Apec Group bị phạt 600 triệu đồng do chào bán TPDN thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCK. Với Apec Group, vòng tròn “lột xác”, “biến hóa” và sử dụng các công cụ tài chính sai quy định thu lợi bất chính không phải lần đầu. Trước khi đổi tên thành Apec Group, DN này cũng từng nhiều lần bị UBCK “thổi còi” vi phạm.

Ngày 25/11/2021, UBCK ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư BG Group (nay đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn APEC Group), địa chỉ trụ sở chính: Tầng 3, Trung tâm thương mại Grand Plaza- 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. DN này đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch (Công ty CP Đầu tư BG Group, tổ chức có liên quan của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam Nguyễn Hoàng Linh (mã chứng khoán: IDJ) đã thực hiện giao dịch mua 1.660.300 cổ phiếu IDJ từ ngày 26/7/2019 đến ngày 15/8/2019 nhưng không báo cáo UBCK, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc dự kiến giao dịch.

Ngoài ra, “bẫy” lãi suất cao cũng là yếu tố khiến nhiều khách hàng mắc kẹt trong vòng xoáy của những rủi ro TPDN. Theo báo cáo của SSI, năm 2021, khối DN bất động sản vẫn đứng đầu trong danh sách các lô trái phiếu riêng lẻ lãi suất cao nhất thị trường (12 - 13%/năm). Một số cái tên được nhắc đến là Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Hoàng Phú Vương, Công ty CP Osaka Garden, Công ty CP Galatic Group, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Unity…

Nhà đầu tư cần làm gì để tự bảo vệ mình?

Theo Bộ Tài chính, thị trường TPDN thời gian qua đã có bước phát triển nhanh và trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của DN theo đúng chủ trương, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu cũng đã phát sinh những rủi ro.

Những rủi ro này đã được cơ quan quản lý nhiều lần cảnh báo. Đó là các trái phiếu 3 không, 4 không (không tài sản đảm bảo, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền…); hoặc các trái phiếu đảm bảo bằng cổ phần, cổ phiếu khi giá cổ phiếu đi xuống thì rủi ro nhà đầu tư gánh hết; trái phiếu của các DN nền tảng tài chính kém, thậm chí kết quả kinh doanh lỗ, đi xuống…

Năm 2021, tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172,5 nghìn tỷ đồng - chiếm 54,2% lượng phát hành 2021. Con số thực tế theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI có thể lớn hơn vì có tới 33.000 tỷ đồng (10%) trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo.

Theo Luật sư Hà Huy Phong- Công ty Luật Inteco, Luật Chứng khoán, Luật DN và các Nghị định về phát hành TPDN đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Vì vậy, trước khi cân nhắc mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư cần nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đại diện Bộ Tài chính cũng khuyến nghị, nhà đầu tư cần phải hiểu biết mình là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN. Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Trong trường hợp mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư là không có căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không có quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của DN phát hành.

Đối với các DN huy động TPDN với khối lượng lớn, lãi suất cao vượt quá năng lực tài chính của DN là rất rủi ro khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì DN sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết trái phiếu. Các DN phát hành cần lưu ý việc vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích đã công bố ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

(Còn nữa)

 

Quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Theo đó, mọi hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Thông tin từ Bộ Tài chính