70 năm giải phóng Thủ đô

Được trợ giá cả ngàn tỷ mỗi năm, xe buýt vẫn... ế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung bình mỗi năm ngân sách thành phố chi trên 1.000 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, lượng hành khách đi xe buýt tại TP Hồ Chí Minh ngày càng sụt giảm trong những năm gần đây.

Ngày 8/4, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Đánh giá 14 năm sử dụng tiền trợ giá xe buýt (2002 - 2015): hiệu quả và lộ trình đến năm 2020”.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP (gọi tắt là Trung tâm), qua 14 năm hoạt động hệ thống vận tải hành khách công cộng, khối lượng vận chuyển xe buýt tăng hàng năm. Từ năm 2002 là 36,2 triệu đến năm 2012 tăng lên 413,1 triệu lượt.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay khối lượng vận chuyển xe buýt có xu hướng giảm. Năm 2013 là 411 triệu lượt, năm 2014 là 367 triệu lượt và 2015 là 334,5 triệu lượt. Trong khi đó, giai đoạn này trung bình mỗi năm ngân sách thành phố phải chi hơn 1.100 tỷ đồng trợ giá xe buýt.
Mỗi năm ngân sách thành phố chi hơn 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt.
Mỗi năm ngân sách thành phố chi hơn 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt.
Theo đánh giá của Trung tâm, đa số các phương tiện được đầu tư từ lâu nay đã xuống cấp, làm cho chất lượng dịch vụ giảm xuống. Cùng với việc gia tăng mật độ giao thông, thời gian hành trình tăng cao, thái độ phục vụ không tốt của nhân viên, tài xế… khiến xe buýt không còn thu hút hành khách như trước.
Trước thực tế trên, GS.TS Nguyễn Thị Cành (Đại học Kinh tế - Luật TPHCM) đặt vấn đề: “Chính sách trợ cấp xe buýt của thành phố có thực sự hiệu quả?”.
Hiện nay, kinh phí trợ giá được tính bằng tổng chi phí chuyến xe trừ đi doanh thu đặt hàng (hoặc đấu thầu). Bà Cành đề nghị cần xem xét lại hình thức trợ giá này và phải nhanh chóng thay đổi.
Theo bà Cành, nếu vẫn trợ cấp cho doanh nghiệp để bù chi phí giá cao thì sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng thiếu công bằng với các doanh nghiệp không được nhận trợ giá.
“Quan điểm ở đây là trợ cấp phải căn cứ vào kết quả đầu ra chứ không phải dựa vào chi phí đầu vào như đang thực hiện. Trợ cấp cho hành khách chứ không phải trợ cấp cho doanh nghiệp. Trợ cấp xe buýt là vì lợi ích xã hội, văn minh đô thị”, bà Cành nói.

Theo GS Nguyễn Thị Cành, về lâu dài, cần trợ giá trực tiếp cho hành khách thông qua thẻ thông minh. Biện pháp này sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải về chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách.

Đồng quan điểm, PGS - TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường ĐH GTVT cơ sở II, cho rằng việc sử dụng thẻ thông minh đi xe buýt và thu tiền tự động giúp kiểm soát được chi phí, doanh thu và thống kê chính xác lượng hành khách đi xe buýt. Đây là điều kiện tiên quyết để thành phố áp dụng phương pháp trợ giá theo sản lượng hành khách, thay vì theo định mức khoán như hiện nay.

TS Hằng cho rằng, việc bán vé thu tiền trực tiếp, rà soát vé bằng mắt thường như hiện nay dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình bán vé, khó kiểm soát doanh thu và không thống kê chính xác lượng khách đi trên tuyến.

Còn ông Nguyễn Văn Lâm - Phó trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP cho rằng nên trợ giá trực tiếp cho người tham gia giao thông. “Hiện nay là trợ giá thông qua nhà xe. Nhiều người đi xe trợ giá mà không biết được trợ giá như thế nào. Chính điều này khiến tài xế có thái độ nhờ tôi mà anh mới được đi xe trợ giá. Ngoài ra, cần cấu trúc lại các hợp tác xã để quản lý tập trung, nâng cao sức mạnh tài chính để có điều kiện đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.”, ông Lâm nói.

Ông Đậu An Phúc - Giám đốc Trung tâm cho biết, cuối năm nay sẽ triển khai ứng dụng hệ thống thẻ điện tử thông minh trên 136 tuyến xe buýt hiện có. Người dân đi xe buýt sẽ sử dụng các thẻ từ, có số tài khoản và tiền nạp vào máy cảm ứng từ gắn trên xe buýt. Máy cảm ứng sẽ truyền dẫn thông tin về người đi, hành trình, số tiền phải trả… Mọi thông tin được truyền dẫn về trung tâm và đơn vị quản lý, khai thác xe buýt.

Về những bất cập của hình thức trợ giá hiện nay, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, cách thức tính kinh phí trợ giá như hiện nay đã không còn phù hợp và cần phải thay đổi. Phải làm sao cho việc trợ giá xe buýt thật sự hiệu quả. Ngoài ra cần phải thay đổi tư duy, lấy khách hàng làm trung tâm. Không phải đặt lợi ích kinh tế lên trên hết mà quan trọng là phục vụ nhu cầu người dân và nâng cao sản lượng hành khách sử dụng phương tiện công cộng. Dự kiến, năm 2017 sẽ có cách thức tính trợ giá xe buýt mới.