Ngân hàng đua cho vay đảo nợ
Sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã tích cực quảng bá chương trình này với mức lãi suất khá thấp. Thông tin mới nhất từ VietinBank cho biết, các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm như vay mua nhà, mua xe… sẽ được hỗ trợ vay vốn tại VietinBank với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân từ 5,6%/năm đối với vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5%/năm đối với vay tiêu dùng.
Trước đó, Vietcombank là ngân hàng công bố sớm nhất chính sách này với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, nếu cố định trong 24 tháng đầu lãi suất là 8%/năm.
Trong khi đó, BIDV công bố áp dụng lãi suất vay từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm đối với khoản vay trung dài hạn, thực hiện theo Thông tư 06.
Mức cho vay để trả nợ trước hạn tại 3 ngân hàng trên đều lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác và khách hàng được ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng nhưng không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay. Đáng chú ý, quy định mới này áp dụng cho tất cả các khoản vay tiêu dùng, phục vụ đời sống như mua nhà, mua xe ô tô hay vay để sắm sửa đồ dùng trong nhà…
Với sự mở màn của nhóm Big 4 nêu trên là khởi đầu của một làn sóng chuyển các khoản nợ từ các ngân hàng. Cuộc đua thu hút khách hàng chuyển khoản vay giữa các nhà băng đang ngày càng sôi động với lãi suất ngày càng rẻ. Theo đó, những ngân hàng có chi phí vốn đầu vào thấp sẽ có lợi thế cạnh tranh, trong đó, một số nhà băng có quy mô lớn và có tỷ lệ tiền gửi CASA như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, MBBank, Techcombank, ACB có chi phí vốn đầu vào bình quân chỉ từ 3 - 4,5% sẽ chiếm lợi thế.
Giảm lãi suất để giữ chân khách hàng
Việc các ngân hàng bắt đầu cuộc đua cho khách hàng vay để trả nợ cho ngân hàng khác được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng giảm lãi suất cho vay thực chất và nhanh hơn từ nay tới cuối năm.
“Các ngân hàng đang tranh thủ lôi kéo khách hàng mới bằng yếu tố lãi suất thấp. Bên cạnh đó, ngân hàng đang có dư nợ cũ, cần giữ chân người vay nếu không họ sẽ chuyển sang các ngân hàng có lãi suất thấp hơn”- chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận xét.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, quy định mới sẽ làm mặt bằng lãi suất giảm hơn nhưng sẽ không có tác động quá đáng đến tăng trưởng tín dụng của hệ thống. Bản chất của vay đảo nợ vẫn là chuyển dư nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Khi vay đảo nợ, khách hàng có thể được hưởng lãi suất thấp hơn nhưng sẽ đối diện với nhiều chi phí để thực hiện dịch vụ này. Theo tìm hiểu, cơ bản người vay sẽ không mất phí cho ngân hàng mới, nhưng sẽ phải mất phí trả nợ trước hạn theo quy định của ngân hàng đang có khoản vay cũ, gồm chi phí phạt trả lãi vay trước hạn, hiện ở mức 1 - 3%, cộng với hàng loạt vấn đề liên quan tới tài sản bảo đảm… thậm chí không loại trừ trường hợp các ngân hàng nâng mức phí phạt trả nợ trước hạn để hạn chế khách hàng chuyển vay vốn sang ngân hàng khác.
Đặc biệt, phía ngân hàng mới cũng vẫn thẩm định, đánh giá khoản vay mới theo thủ tục, quy định thông thường, chứ không mặc nhiên chấp nhận cho khách hàng "đảo nợ".
Bên cạnh đó, ý nghĩa của sự nới lỏng này là cho phép lựa chọn ngân hàng có lãi vay tốt hơn còn thời hạn trả khoản vay vẫn không đổi. Techcombank cho biết, khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản dễ dàng từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm, ân hạn gốc 24 tháng. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ…
Đại diện Sacombank cũng lưu ý khách hàng việc chuyển dư nợ vay sang tổ chức tín dụng khác không đồng nghĩa với việc kéo dài thời hạn cho vay so với hợp đồng vay ban đầu và đó phải là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Dù vậy, cái lợi lớn nhất với khách hàng khi dịch chuyển khoản vay, là được hưởng mức lãi suất thấp hơn. Ở mỗi ngân hàng sẽ có một khẩu vị rủi ro khác nhau, nên định giá khoản vay sẽ rất khác nhau. Lãi suất ưu đãi tại các ngân hàng sẽ phân chia theo lĩnh vực, ví dụ cho vay nông nghiệp, công nghiệp hay du lịch, dịch vụ, tiêu dùng… mỗi mảng sẽ có một mức lãi suất tối thiểu phù hợp.
Chờ đợi hướng dẫn
Chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị rất quan tâm đến chương trình cho vay mới này bởi chị đang có một khoản vay mua xe với lãi suất 13%. Tương tự, chị Kim Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội), đang vay gần 1 tỷ đồng để mua nhà, khá vui mừng khi biết có thể chuyển nợ vay. Song bên cạnh lãi suất, chị Thanh còn đang băn khoăn về thủ tục chuyển đổi, có thuận tiện cho người vay hay không.
Trong khi đó, anh Trần Trung Kiên (ở Hai Bà Trưng) đang có khoản vay hơn 2 tỷ đồng để mua nhà tại một ngân hàng thương mại cho hay, ngoài lãi suất, vấn đề anh quan tâm là thủ tục chuyển đổi có thuận tiện hay không? "Quy định mới này rất hay. Tôi đang chờ xem các ngân hàng áp dụng, nếu thực sự nó thấp hơn từ 2 - 3% so với mức cũ thì vay, còn nếu chỉ ít thôi mà thủ tục phức tạp, chi phí phạt cao thì tôi sẽ không đảo nợ" - anh Kiên cho biết.
Một điểm khách hàng cũng băn khoăn, trong thời kỳ áp dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng, các ngân hàng phải bù lỗ. Vì vậy, trong hợp đồng tín dụng thường có điều khoản mức lãi suất đưa ra khá cạnh tranh trong 6 tháng đầu tiên, sau đó sẽ theo thị trường… nên khách hàng phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định chuyển hợp đồng tín dụng sang một ngân hàng khác.
Với quy định người dân có thể vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh các tổ chức tín dụng phải công khai minh bạch về thủ tục, về lãi suất, về phí, cũng như làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, tư vấn, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người vay.
Để được các ngân hàng phê duyệt khoản vay, khách hàng phải có lịch sử trả nợ đúng hạn, đồng thời phải chứng minh được thu nhập hằng tháng bảo đảm để trả nợ khoản vay. Nhất là trong thời gian gần đây, những tiêu chí như áp dụng Basel, quy trình kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn… khách hàng vay tiền phải đáp ứng đủ các tiêu chí, yêu cầu đặt ra với các khoản vay này.
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính