Dưới bóng dừa nước Kinh Giang

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rừng dừa nước trên dòng Kinh Giang không chỉ là tấm lá chắn chở che xóm làng trong những năm tháng mưa bom bão đạn, nó còn mang đến nguồn lợi, nuôi sống lớp lớp thế hệ người dân. Thời hiện đại, con sông và rừng dừa lại hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội thay da đổi thịt cho xã Tịnh Khê anh hùng.

Xóm rớ, xóm dừa

Thuần thục khua mái chèo, chiếc ghe của ông Phạm Minh Tâm (67 tuổi, xóm Khê Thủy B, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) nhẹ nhàng lướt đi trên dòng Kinh Giang. Chừng chục nhịp chèo, những cụm dừa nước đầu tiên đã hiện rõ trong tầm mắt.

Ông Phạm Minh Tâm có nhiều năm gắn bó với rừng dừa nước sông Kinh.
Ông Phạm Minh Tâm có nhiều năm gắn bó với rừng dừa nước sông Kinh.

“Sông này có tên là Kinh Giang, thường gọi là sông Kinh. Rừng dừa nước ở đây có từ hàng trăm năm nay. Bà con trong vùng chủ yếu sống nhờ vào sông với rừng dừa, ngoài bắt được tôm cá, còn có thể dùng dừa để chằm lá, đan lát rồi mang bán. Bởi vậy mà xóm này thường được gọi là xóm rớ, xóm dừa”, ông Tâm vừa chèo vừa giải thích.

Đi chừng 5 phút, rừng dừa nước mênh mông, xanh ngát hiện ra trước mắt, hệt như phong cảnh ở miền Tây Nam bộ. Càng đi vào sâu bên trong, rừng dừa càng đẹp. Theo ông Tâm, rừng dừa thường là nơi để tránh rét của những đàn chim, đàn cò hoang dã vào mùa đông, còn dưới những gốc dừa là nơi trú ngụ, sinh sản của biết bao loài tôm, cá đối nước lợ, cua càng xanh, ốc, ghẹ, sò… và trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân trong vùng.

Người dân mò sìa mưu sinh.
Người dân mò sìa mưu sinh.

Trong con lạch nhỏ, nước ngập quá thắt lưng, bà Ngô Thị Sâm (61 tuổi, xóm Khê Thành B, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê) đang lúi húi mò sìa. “Sìa chỉ sống ở vùng cửa sông chảy ra biển, thường trú gần gốc dừa, gốc rám. Siêng thì ngày cũng bắt được 5 - 6kg, có khi nhiều hơn. Mấy chục năm nay đều làm nghề này để sống”, bà Sâm thiệt thà.

 

Sông Trà Khúc từ thượng nguồn đưa nước về xuôi, trước khi đổ ra Cửa Đại hòa vào đại dương bao la thì có nhánh rẽ ngang thành con sông Kênh (đọc chệch thành sông Kinh, còn gọi là sông Kinh Giang). Sông Kinh dài hơn 7 km chảy qua địa phận xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), nối liền với cửa biển Cổ Lũy. Nơi đầu dòng sông thuộc xã Tịnh Khê có một rừng dừa nước hình thành hàng trăm năm trước, cách trung tâm thành phố khoảng 16 km và bờ biển Mỹ Khê của Quảng Ngãi vài trăm mét.

Ghe rẽ qua một khúc sông khác, vẫn không ngưng tay chèo, ông Tâm thong thả kể chuyện cũ. Nhà ông Tâm bên cạnh sông Kinh, ngay từ nhỏ đã thạo con nước lớn, nước ròng. Thời ấy trừ mùa bão lũ, những tháng còn lại trong năm, người dân thả lưới, thả bè rớ trên sông Kinh. Ông Tâm là đời thứ tư trong gia đình tiếp nối nghề đánh bắt thủy sản trên sông Kinh. Thời còn trẻ, ông Tâm cũng là tay “sát” cá tôm thiện nghệ.

“Cứ tầm 14 giờ chiều là chèo ghe đặt rập, đặt lờ khắp những luồng lạch nhỏ trên sông Kinh. Đến 1 - 2 giờ sáng lại chèo ghe thu lại để lấy tôm, cá… Giờ già rồi nên nghỉ, thỉnh thoảng có người thuê thì chèo ghe chở khách đi ngắm rừng dừa, thời gian còn lại chủ yếu chằm lá dừa mang bán”, ông Tâm nói.

Nghề chằm lá dừa nước mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân xã Tịnh Khê.
Nghề chằm lá dừa nước mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân xã Tịnh Khê.

Những năm gần đây, các nhà hàng, quán cà phê, khu du lịch ưa chuộng loại lá dừa dùng để lợp. Nhờ vậy, nghề chằm lá dừa nước đã mang lại thu nhập khá cao cho ông Tâm và người dân ven sông Kinh.

“Dịp tết, ở đây còn thu hoạch trái dừa nước để bán. Lúc ấy, dừa nước vừa già trái, đúng vụ thu hoạch. Dừa nước cùi dày, ngọt thanh, ai cũng thích”, ông Tâm chia sẻ.

Rừng che bộ đội

Theo các tài liệu lịch sử, với địa thế hiểm trở như "đám lá tối trời" nên rừng dừa nước Tịnh Khê từng là nơi trú ẩn của các lực lượng vũ trang trong những năm kháng chiến, nhằm chống lại những cuộc càn quét, đánh phá vào xã Tịnh Khê và vùng lân cận.

Rừng dừa nước từng là nơi che chở cho bộ đội và du kích.
Rừng dừa nước từng là nơi che chở cho bộ đội và du kích.

Giai đoạn 1969 - 1975, chiến sự ác liệt, rừng dừa nước trở thành nơi che chở cho bộ đội và du kích. Khi ấy, hàng trăm máy ủi, xe tăng cày nát Tịnh Khê, khiến vùng này trở nên hoang tàn, lực lượng du kích không chỗ trú ẩn. Nhưng với tinh thần ngoan cường, dũng cảm, cái khó không thể bó cái khôn, không thể làm công sự trên đất liền, quân và dân Tịnh Khê lại làm công sự dưới nước.

“Khi thủy triều lên thì rừng dừa nằm trong biển nước, nhưng lúc nước xuống vẫn còn có những vùng đất nhô lên, lực lượng du kích lấy bao nilon, thời trước còn gọi là bao đại hàn, để bọc cát và dùng ống cống ri của Mỹ, tạo thành những công sự kiên cố dưới nước. Công sự này có sức chứa từ 15 đến 20 người, có thể chịu được pháo 105 ly, bên trên còn trồng dừa để ngụy trang”, ông Lê Văn Thoảng (68 tuổi, nguyên xã đội trưởng xã đội Tịnh Khê, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Sơn Tịnh) chia sẻ.

Ông Lê Văn Thoảng (68 tuổi, nguyên xã đội trưởng xã đội Tịnh Khê, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Sơn Tịnh).
Ông Lê Văn Thoảng (68 tuổi, nguyên xã đội trưởng xã đội Tịnh Khê, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Sơn Tịnh).

Những công sự dưới nước trở thành nơi trú ẩn lý tưởng của bộ đội, du kích. Trên trời, tán dừa nước ken dày, sức gió được tạo bởi cánh trực thăng cũng không thể quạt nổi. Dưới nước, bùn sình nhão cùng với bẫy mìn được cài cắm bí mật lại trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù.

Trong giai đoạn này, thực hiện mưu đồ "bình định cấp tốc", Mỹ đã đưa một tiểu đoàn lính cộng hoà và 2 đại đội bảo an tiến vào xã Tịnh Khê lùng sục các thôn, xóm. Nhưng ngay từ đầu, chúng đã bị một đơn vị của Tiểu đoàn 48 - Tỉnh đội Quảng Ngãi và du kích xã Tịnh Khê ẩn nấp trong rừng dừa nước đánh trả, diệt hơn 100 tên địch và bắn cháy xe bọc thép M113.

“Rừng dừa nước đã vươn mình, ưỡn ngực để che chở cho đồng bào, du kích Tịnh Khê và các địa phương khác. Không có nó, có lẽ phong trào cách mạng ở Tịnh Khê khó đứng vững trước sự càn quét dã man, tàn khốc của giặc. Nếu như địa đảo Củ Chi là đất thép thành đồng thì dừa nước Tịnh Khê chính là hun đúc gan thép, là nỗi khiếp sợ của giặc Mỹ”, ông Thoảng xúc động.

Bà Sáu (tên thật là Nguyễn Thị Tía, 66 tuổi, xóm Khê Thủy B, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê) vẫn còn nhớ như in những năm tháng khốc liệt ấy. Bà Sáu tham gia du kích ở địa phương, từng chứng kiến không biết bao nhiêu lần máu và nước mắt hòa lẫn vào con sông này. “Nhiều lần bom nổ ngay trước mũi ghe. Rồi khi địch càn, phải trốn dưới công sự, nước dâng ngang cổ, ngập đầu. Cứ nghĩ mình sẽ không còn sống đến hôm nay”, bà Sáu không nén được xúc động, đôi mắt đỏ hoe.

Ngưng giây lát, bà Sáu nhìn ra phía bờ sông, hồi tưởng: “Rừng thành chỗ ẩn nấp, sông là nơi cung cấp tôm, cá nuôi bộ đội và dân làng. Trong chiến tranh, không có rừng dừa này thì chắc cũng không có xã Tịnh Khê hôm nay, cũng không có chuyện 2 lần được công nhận xã anh hùng vào năm 1969, 2005”.

Bảo tồn và phát triển

Trải qua thời gian và nhiều biến cố, rừng dừa nước Tịnh Khê hiện có diện tích trên 9 hecta, bị thu hẹp nhiều so với thời kháng chiến do người dân đào ao nuôi trồng thủy sản.

Một khu vực dừa nước bị chuyển thành nuôi tôm
Một khu vực dừa nước bị chuyển thành nuôi tôm

Giai đoạn rừng dừa nước trên sông Kinh bị tàn phá nhiều nhất vào các năm 1989 - 2001. Lúc ấy nghề nuôi tôm sú mang lại nguồn thu nhập cao nên nhiều người ồ ạt phá dừa, lấn sông Kinh để nuôi tôm tự phát. Những năm đầu trúng lớn, nhiều người phất lên chỉ sau vài vụ tôm. Nhưng cũng chỉ được vài năm thì nguồn nước sông Kinh bị ô nhiễm, tôm nuôi bị bệnh chết, người nuôi thất thu. Hàng loạt hồ nuôi bị bỏ không, người dân chuyển sang nghề chằm lá dừa, đan lát… Diện tích rừng dừa cũng vì thế được bảo tồn. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay là nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở khu vực này suy giảm đáng kể.

“Thời còn trẻ, chỉ cần thả chiếc lồng là ít ra cũng bắt được dăm con cua lớn tầm bàn tay. Cá, tôm cũng nhiều vô kể, không chỉ đủ ăn, mà còn đem bán. Tiếc là dòng sông giờ đã cạn kiệt cá, tôm vì người ta đánh bắt ồ ạt theo kiểu tận diệt", ông Tâm thở dài, không giấu được tiếc nuối.

Dọc sông Kinh, không khó để bắt gặp cảnh người dân thả rập lồng. Khác với công cụ truyền thống, rập lồng này “nuốt trọn” cá lớn lẫn cá bé. Bởi vậy, dù hàng năm chính quyền và ngành chức năng thả hàng vạn con giống xuống sông này để tái tạo nguồn lợi thủy sản nhưng vẫn không đi đến đâu, vì vừa thả xuống đã lọt vào các rập lồng giăng sẵn.

Đánh bắt bằng rập lồng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản sông Kinh cạn kiệt.
Đánh bắt bằng rập lồng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản sông Kinh cạn kiệt.

“Vấn đề khai thác theo kiểu tận diệt này địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân, song vẫn chưa có chế tài xử lý cụ thể. Đây là câu chuyện dài hơi và khó, vì nó là kế sinh nhai của họ”, ông Võ Minh Chính - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê chia sẻ.

Người dân Tịnh Khê tự hào bởi rừng dừa nước trải qua hai cuộc kháng chiến vẫn vẹn nguyên giá trị về lịch sử. Đặc biệt, với vẻ đẹp hoang sơ, những năm trước, khi chưa có dịch Covid-19, nhiều nhiếp ảnh gia, khách du lịch đến sông Kinh tham quan, chụp ảnh. Nhiều bức ảnh chụp dừa nước sông Kinh đoạt giải về nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.

 

Với giá trị lịch sử to lớn cùng vẻ đẹp thơ mộng, rừng dừa nước Tịnh Khê đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh vào năm 2005 và trở thành một trong những địa điểm du lịch ấn tượng của Quảng Ngãi, thu hút rất nhiều lượt du khách tham quan.

Người dân nơi đây cũng nhiều lần khấp khởi mừng vì nghe nói có dự án đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị của rừng dừa nước và dòng sông Kinh. Tiếc là nhiều dự án đã lên kế hoạch, nhưng hầu hết đều chưa triển khai. Tiếp nối những dự án lỡ hẹn với rừng dừa sông Kinh, năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê được thành lập với hàng chục xã viên nhưng đến giờ vẫn chưa thể thực hiện.

“Mục tiêu của hợp tác xã là phát triển du lịch trải nghiệm như làm nông dân, ngư dân, chằm lá dừa nước và khai thác những dịch vụ du lịch tiềm năng khác. Đồng thời, ưu tiên đưa những người mưu sinh trên sông vào hợp tác xã để vừa góp phần chấm dứt việc khai thác theo kiểu tận diệt, vừa tạo việc làm cho họ. Lẽ ra dự án này được thực hiện từ năm 2020, nhưng do dịch bệnh nên đến nay vẫn ngưng trệ. Năm 2022, nếu dịch Covid-19 được khống chế, dự án này sẽ được triển khai”, ông Chính nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần