Đường đi miền Tây kẹt cứng, người dân vất vả về quê đón tết

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dòng người miền Tây về quê đón Tết mỗi ngày một đông, khiến ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong những ngày qua.

Ngày 4/2 (ngày 25 tháng Chạp), theo ghi nhận, từ khu vực TP Hồ Chí Minh về hướng miền Tây theo ba tuyến quốc lộ: Quốc lộ 50, Quốc lộ 1A và quốc lộ N2 đều xảy ra tình trạng kẹt xe.

Theo chia sẻ của các tài xế, tết năm nay tình hình kẹt xe, ùn tắc giao thông trên các tuyến đường về miền Tây không cải thiện so với các năm trước.

Ngày 4/2, hàng chục ngàn người đổ xô từ thành phố về các tỉnh miền Tây khiến giao thông kẹt cứng hàng cây số, tuyến đường cửa ngõ phía Tây "thất thủ", nhiều người dân kiệt sức vì mệt mỏi. Ảnh: Mậu Dũng
Ngày 4/2, hàng chục ngàn người đổ xô từ thành phố về các tỉnh miền Tây khiến giao thông kẹt cứng hàng cây số, tuyến đường cửa ngõ phía Tây "thất thủ", nhiều người dân kiệt sức vì mệt mỏi. Ảnh: Mậu Dũng

“Sau ngày 23 tháng Chạp tình hình giao thông đã bắt đầu kẹt, kẹt từ cửa ngõ TP Hồ Chí Minh cho đến các điểm nóng ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre” – anh Lê Trọng Nhân, tài xế xe khách cho biết.

Cũng theo anh Nhân, nguyên nhân là do cận tết, lượng xe tăng cao, đặc biệt là xe ô tô, xe tải và xe khách.

“Đường về miền Tây không xa nhưng vất vả vì phải chịu cảnh kẹt xe, ùn tắc kéo dài. Đặc biệt, điểm nghẽn đáng ngại nhất là đường về miền Tây có nhiều cầu hẹp, lưu lượng xe đông gây tình trạng “thắt cổ chai”, ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông” - anh Nhân nói thêm.

Trong khi đó anh Phạm Trung Thành (ngụ quận 9, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ ngao ngán vì gần một tiếng mà xe chưa được đi 2km: “Những ngày cận tết đi từ Sài Gòn về miền Tây đúng là cực hình. Tôi đi xe máy nên càng vất vả hơn vì hành lý lỉnh kỉnh, chất đầy trên hành trình về quê ăn Tết” – anh Thành nói.

Tương tự, chị Lê Thị Thắm (ngụ huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, ban đầu nhà xe hẹn 11 giờ, rồi 13 giờ và bây giờ là tối mịt mà vẫn chưa đón được xe về quê.

“Nếu hôm nay không đón được xe về thì đành ở lại thành phố, tới sáng mai tôi sẽ chạy xe máy về. Đường về Bạc Liêu tương đối xa nên phải cố gắng vừa chạy, vừa mang theo nước uống. Đến đoạn nào mệt quá thì ghé vào quán nước nghỉ” – chị Thắm chia sẻ.

Con đường quốc lộ huyết mạch về miền Tây bị tắc nghẽn kinh hoàng, hàng chục ngàn người dân miền Tây khổ sở, mệt mỏi di chuyển từng chút một để về quê. Ảnh: Mậu Dũng
Con đường quốc lộ huyết mạch về miền Tây bị tắc nghẽn kinh hoàng, hàng chục ngàn người dân miền Tây khổ sở, mệt mỏi di chuyển từng chút một để về quê. Ảnh: Mậu Dũng

Cận tết, lượng xe đổ về miền Tây bắt đầu tăng cao, nhưng cao điểm được dự báo từ 28 tháng Chạp, khi người dân bước vào kỳ nghỉ Tết 7 ngày.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã đưa ra loạt phương án để người dân đi lại thuận tiện trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Trong đó, với hướng TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây - khu vực thường xuyên ách tắc và lưu lượng xe lớn, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh gợi ý 4 lộ trình di chuyển.

Trong đó có lộ trình 1 và lộ trình 2 khuyến khích chọn trục đường Kinh Dương Vương - quốc lộ 1 - đường dẫn cao tốc - đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - các tỉnh miền Tây. Lộ trình 3 đi từ bến xe Miền Tây - đường Kinh Dương Vương - quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50 - các tỉnh miền Tây.

Lộ trình 4 đi từ hướng Trường Chinh - quốc lộ 22 (bến xe An Sương) - tỉnh lộ 8 - tuyến N2 - các tỉnh miền Tây. Hoặc trục đường Trường Chinh - quốc lộ 22 (bến xe An Sương) - Nguyễn Văn Bứa - đường tỉnh 824 (tỉnh Long An) - tuyến N2 - các tỉnh miền Tây.