Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường giao thông xã Lại Yên, huyện Hoài Đức: Cây chết khô do trồng vội

Bài, ảnh: Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết phản ánh sự chậm trễ trong việc thi công dự án (DA) 1km đường giao thông Cầu Khum - Đìa Sáo đi qua xã Lại Yên, huyện Hoài Đức.

Sau 4 năm thi công, vừa qua nhà thầu gấp rút hoàn thành các hạng mục, trong đó trồng khoảng 250 cây sấu ở hai bên đường, nhưng đến nay gần 150 cây đã bị chết.
 Hàng cây sấu bị chết khô trên đường giao thông xã Lại Yên.
Từ tháng 6/2019 đến nay, sau khi các hạng mục cuối cùng của DA đường giao thông Cầu Kum - Đìa Sáo hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Cùng thời điểm này, nhà thầu cũng hoàn thành hạng mục trồng khoảng 250 cây sấu có đường kính trung bình 10 - 15cm ở vỉa hè hai bên đường theo hồ sơ thiết kế DA.
Thời điểm trồng đa phần các cây sấu đều được bọc lớp lưới đen từ trên xuống dưới thân cây. Tuy nhiên, đến nay, dọc vỉa hè tuyến đường ở đây chỉ còn lại một số cây sấu sống sót, phát triển bình thường, còn lại gần 150 cây bị chết, nhiều cây đã khô vỏ, bong tróc thân nhưng chưa được thay thế trồng cây mới.
Nguyên nhân hàng trăm cây sấu tại hai bên tuyến đường này chết khô được xác định là do cây trồng ở vỉa hè có nhiều đất lẫn cả đá, sỏi; thời điểm trồng lại vào mùa Hè và việc chăm sóc chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, những bụi cây cỏ dại xung quanh cây sấu không thường xuyên được phát quang, thu dọn đã lấn át cũng khiến cho hàng trăm cây sấu bị chết.
Sự việc này còn khiến nhiều người cho rằng, do chủ đầu tư là Ban Quản lý DA xây dựng huyện Hoài Đức thúc giục yêu cầu gấp rút hoàn thành các hạng mục để bàn giao đưa tuyến đường vào sử dụng, nên nhà thầu thi công mới trồng cây vội vào mùa Hè khi trời nắng nóng. Chính việc chạy theo bệnh thành tích để hoàn thành DA theo tiến độ như cam kết, mới xảy ra tình trạng hàng loạt cây sấu được mua từ 3 - 4 triệu đồng/cây bị chết khô gây lãng phí công sức và tài sản.
Liên quan đến nội dung này, Phó trưởng Ban quản lý DA xây dựng huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Vân khẳng định: Việc hàng trăm cây sấu trồng hai bên đường giao thông Cầu Khum - Đìa Sáo bị chết khô là đúng. Nguyên nhân do nhà thầu gấp rút hoàn thành các hạng mục cuối cùng khớp nối các điểm tiếp giáp và trồng cây xanh ở hai bên đường đúng vào thời điểm mùa Hè nắng nóng khiến cây bị chết. Nhưng ông Vân cũng khẳng định, không có chuyện Ban thúc giục DN trồng cây vào mùa Hè để chạy theo tiến độ thi công DA.
Hiện nay, do Ban chưa nhận bàn giao DA nên việc hàng cây sấu này bị chết khô và chưa được thu dọn, trồng cây mới, trách nhiệm này thuộc về nhà thầu thi công. Thời gian tới Ban sẽ yêu cầu nhà thầu thu dọn những cây bị chết khô, chờ thời điểm thích hợp sẽ trồng lại cây xanh hồ sơ thiết kế, đảm bảo cây trồng phải sống, phát triển tốt mới nhận bàn giao.