Hệ thống thoát nước vừa yếu lại vừa thiếu
Ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện hệ thống thoát nước do Công ty quản lý gồm 1.317km cống, 117,9 km mương, 36,3km sông. Hai nguồn thoát nước chính của khu vực nội thành là qua trạm bơm Yên Sở và đập Thanh Liệt (tự chảy). Cần phải nói rõ rằng, hệ thống thoát nước hiện tại của thành phố được chắp nối từ 4 hệ thống gồm: Cống cũ thời Pháp; Cống mới xây dựng từ năm 1954 trở lại đây; Cống thoát nước của Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1; Cống thoát nước các ngõ xóm, các khu đô thị. Hiện chỉ có hệ thống thoát nước thuộc dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 là tương đối bài bản, còn lại 3 hệ thống kia đã xuống cấp, hư hỏng, nhất là cống có từ thời Pháp hầu hết là cống có tiết diện nhỏ, khớp nối không hoàn chỉnh.
Theo đánh giá của Công ty Thoát nước Hà Nội, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, cộng với hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, nên khi có mưa to kéo dài sẽ có một số điểm trũng, nhiều khu vực trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ. "Nếu với lượng mưa từ 16 đến 50mm, trên các trục chính của thành phố cơ bản không có điểm úng ngập mà chỉ xảy ra ở một số khu vực trũng, ngõ ngách, nơi mà hệ thống thoát nước chưa được cải tạo. Còn lượng mưa lớn hơn, mưa kéo dài thì sẽ xảy ra ngập úng cục bộ", ông Nguyễn Lê thừa nhận. Qua rà soát, Hà Nội vẫn còn 16 "điểm đen" úng ngập và hàng trăm điểm úng ngập có thể xuất hiện bất cứ lúc nào với những trận mưa trên 100mm, điển hình như khu vực ngã 5 Bà Triệu, Khâm Thiên, Thái Thịnh, Lê Lai, Tông Đản... Tuy nhiên, nước đã rút nhanh sau khi mưa tạnh
Trong mưa, đường ngập là bất khả kháng
Đó là khẳng định của ông Phan Hoài Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội. Ông Minh dẫn chứng: "Nếu đổ một xô nước vào chậu rửa Lavabo thì phải mất một khoảng thời gian nước mới thoát hết. Đấy là nước thoát theo ống thẳng đứng, còn đối với hệ thống thoát nước của thành phố khi mưa to, nước từ mái nhà chảy xuống, qua các ngõ ngách đổ ra đường, vào ga thu nước (trên đường khoảng 20 - 30 m có 1 ga thu nước) xuống cống phải có thời gian để nước rút hết. Vì vậy có thể gây ra ứ đọng nước trên mặt đường (các thành phố lớn trên thế giới dù hệ thống thoát nước tốt hơn vẫn có tình trạng này)".
Ông Minh chia sẻ: Để người dân hiểu vì sao trong khi mưa đường phố ngập thì trước hết, cần phải nói rõ về thế nào là điểm úng ngập. Theo qui định của Bộ Xây dựng, điểm úng ngập được xác định là 30 phút sau khi mưa tạnh nước vẫn còn chảy trên mặt đường. Bên cạnh đó, dù Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng cũng chỉ đáp ứng được những cơn mưa có lượng mưa 50mm/giờ thì không xảy ra úng ngập. Những cơn vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua đều gần 100mm/giờ dẫn đến úng ngập xảy ra. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 50 công trình hạ tầng đang thi công dở dang cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống thoát nước của thành phố.
"Nói như vậy không có nghĩa là Công ty không làm gì mỗi khi có mưa to. Ngay từ đầu năm công ty đã xây dựng 3 kịch bản cho các phương án thoát nước và chống ngập úng tương ứng với các trận mưa to để chủ động giảm thiểu số điểm và thời gian úng ngập tại các tuyến phố", ông Minh nói. Qua mỗi trận mưa, Công ty Thoát nước Hà Nội đều chủ động vận hành các trạm bơm hạ mực nước trên hệ thống sông mương hồ, và huy động công nhân, thiết bị ra các trọng điểm úng ngập làm nhiệm vụ khơi thông dòng chảy nên chỉ sau 30 - 45 phút nước đã cơ bản rút hết. Hiện Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 đang được triển khai đã nâng công suất Trạm bơm Yên Sở lên 90m3/s, chuẩn bị xây dựng cải tạo 22,5km cống, 21,2km mương và cải tạo các hồ,… Khi dự án hoàn thành, với những trận mưa có cường độ 70mm/giờ nước sẽ thoát hết. Nhưng cũng phải nói thêm là phạm vi dự án chủ yếu thoát nước cho các quận nội thành cũ. Đối với những trận mưa có cường độ lớn hơn thì vẫn xảy ra úng ngập tại một số nơi.
Với hiện trạng hệ thống thoát nước của Thủ đô Hà Nội đang có thì với những trận mưa cường độ lớn hơn 38mm/giờ mạng lưới cống thoát nước của thành phố chưa đủ năng lực thoát nước. Do đó sẽ còn tồn tại nhiều điểm úng ngập và đây là vấn đề bất khả kháng. Ông Bùi Xuân Đoan Phó Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) |