Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt cần 500 tỷ đồng để sửa 12 hầm yếu

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 21/4, đường sắt Bắc - Nam qua đèo Cả đã thông sau 9 ngày phải ngừng chạy tàu, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Nhưng trên tuyến này vẫn còn đó ít nhất 12 hầm yếu, có thể bị sự cố bất cứ lúc nào đang cần tu bổ khẩn cấp.

Sự cố hầm Bãi Gió được giải quyết sau 9 ngày
Sự cố hầm Bãi Gió được giải quyết sau 9 ngày

Trước hết, phải công nhận sự cố lần này lần này Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã sớm đưa ra phương án giải quyết sự cố hầm Bãi Gió, chuyển tải hành khách kịp thời. 8 thành viên của Tổ công tác do Bộ GTVT gồm đại diện Ban QLDA 85, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT… đã bám hiện trường, làm việc trách nhiệm.

Quan tâm đến hành khách, chủ hàng

Trong khoảng 10 ngày (từ 12/4 đến 18h 15 ngày 21/4), ngành đường sắt đã thực hiện chuyển tải an toàn gần 30.000 hành khách trên 110 đoàn tàu khách. Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO) Trần Văn Nam, người đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo chuyển tải cho biết: chúng tôi đã tổ chức chuyển tải thành công trên 25.000 lượt khách của 89 đoàn tàu, chi khoảng 400 triệu đồng phục vụ miễn phí trên 6.200 suất chính, 7.200 suất ăn sáng. Do đảm bảo an toàn, không để xảy ra tình trạng thất lạc hành lý nên đa số hành khách chuyển tải đều hài lòng, chia sẻ, thông cảm với những khó khăn khách quan của đường sắt.

Phục vụ ăn uống miễn phí hành khách chuyển tải
Phục vụ ăn uống miễn phí hành khách chuyển tải

Với hàng chục toa tàu hàng bị kẹt, 2 công ty vận tải đã liên hệ với chủ hàng, phối hợp bố trí giải phóng sớm nhất hàng hóa, nhất là hàng tươi sống nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại. Chủ tịch HĐQT Công ty HARACO Đỗ Văn Hoan cho biết: khi giải quyết sự cố thiên tai, ngành đường sắt không chỉ tìm giải pháp sớm thông tàu, giảm thiệt hại cho mình mà còn chú trọng, quan tâm đến quyền lợi hành khách, chủ hàng. Tôi đã yêu cầu anh em đặc biệt quan tâm đến đối tượng cụ già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… chỉ huy ngoài hiện trường anh Nam, anh Cường phải linh hoạt giải quyết, không so đo hơn, thiệt với hành khách lúc này.

HARACO đã chuyển tải thành công trên 25.000 lượt khách của 89 đoàn tàu.
HARACO đã chuyển tải thành công trên 25.000 lượt khách của 89 đoàn tàu.

Có 3 tổ tàu của Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội mắc kẹt phía trong hơn 10 ngày, anh chị em vẫn động viên nhau tham gia chuyển tải hành khách. Ngoài ra, sự động viên, khen thưởng kịp thời của Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và lãnh đạo 2 công ty vận tải đã phần nào khích lệ tinh thần làm việc của anh em hiện trường.

Nỗi lo còn đó

Theo phương án mà Bộ GTVT trình Chính phủ thì khổ đường 1000mm này được quy hoạch chỉ để vận chuyển hàng hóa. Theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030 cần “cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận” để đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu “Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%”.

Nếu như biết năm 2023, sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt chỉ đạt 4,6 triệu tấn, chỉ chiếm thị phần khoảng 0,08%. Để đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao, điều kiện tiên quyết là phải đầu tư cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm cầu, hầm, các đoạn đường cong bán kính nhỏ và hệ thống nhà kho, bãi hàng. Có rất nhiều phần việc vượt ra khỏi tầm tay của 2 công ty vận tải đường sắt và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Nói về hạ tầng đường sắt, Cục trưởng Cục Đường sắt Trần Thiện Cảnh cho biết hệ thống đường sắt quốc gia hiện có 39 hầm đường sắt; trong đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam có 27 hầm. Hàng năm việc tu bổ, sửa chữa các hầm đường sắt cũng như kết cấu hạ tầng đường sắt nói chung còn nhiều hạn chế do nguồn kinh phí bố trí hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 40%-50% so với nhu cầu. Ông Trần Thiện Cảnh cho biết thêm, vừa qua, trong quá trình gia cố, sửa chữa Hầm Bãi Gió, việc khảo sát, các đơn vị không lường hết mọi yếu tố liên quan nên xảy ra sự cố. 

Với thời gian chỉ còn 7 năm, trong khi đó trên tuyến Bắc-Nam còn có 12/27 hầm yếu (toàn mạng lưới 27/39 hầm yếu) có thể xẩy ra sự cố bất cứ lúc nào cho thấy hạ tầng đường sắt còn quá nhiều việc phải làm. Nguồn kinh phí ngân sách 3.000 tỷ đồng/năm chỉ đủ để đảm bảo duy trì an toàn chạy tàu như hiện nay. Để gia cố các khung chống vào vị trí, tiến hành phun vữa và triển khai làm bê tông vỏ hầm 12 hầm yếu tốn ít nhất 500 tỷ đồng.

Năm 2023, cũng đã xẩy ra sự cố sụt lỡ hầm số 2 (Lạc Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình) do mưa, ngấm nước, gây sạt lỡ. Quảng Bình có hơn 175km đường sắt chạy qua, trong đó có 5 hầm đường sắt với tổng chiều dài 684m. Những hầm này đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đến nay đã 100 năm tuổi; do vậy không thể tránh khỏi tình trạng xuống cấp, thấm dột, ảnh hưởng đến việc khai thác chạy tàu. Thậm chí, nếu không may, khi có đoàn tàu chạy qua, có thể xẩy ra sự cố chết người, gây hậu quả nguyên trọng.

Chuyên gia Nguyễn Ân (Bộ GTVT) khẳng định: không chỉ hầm số 2 ở Quảng Bình hay hầm Bãi Gió mới đây mà do hiện tượng phong hóa lâu năm, các hầm yếu trên đều có thể xẩy ra sạt lở khi chạy tàu. Vấn đề quan trọng lúc này là phải tìm nguồn kinh phí để cải tạo, gia cố hầm, tìm công ty có trình độ để thi công không để sạt lở. Kinh nghiệm của tôi, chủ động thi công, gia cố bao giờ cũng đỡ thiệt hại hơn khi xẩy ra sự cố mới tiến hành.

Những ngày tắc đường, lượng hành khách chỉ giảm 5-10% và sau khi thông tàu thì lượng khách đến ga, đi tàu đã tăng rất nhanh. Nhưng để đạt mục tiêu đến năm 2030 “Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%)” chưa bao giờ là điều dễ dàng, nếu như hạ tầng đường sắt vẫn còn nhiều hầm, cầu yếu, đường sắt đường cong bán kính nhỏ.