Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: “Sau cơn bĩ cực đến hồi thái lai”...

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu nói trên thật đúng với trường hợp dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Sau hơn thập kỷ với rất nhiều biến cố thăng trầm, cuối cùng dự án cũng hoàn thành và đưa vào khai thác trong niềm hân hoan của người dân Thủ đô và sự kỳ vọng của dư luận cả nước.

 Ngày 6/11, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã phục vụ được tổng số 25.680 hành khách

Sáng 6/11, tại ga Cát Linh, lễ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về TP Hà Nội đã diễn ra trọng thể. Ngay sau lễ bàn giao, chuyến tàu khai thác thương mại đầu tiên cũng chính thức lăn bánh, đánh dấu chặng đường hơn 10 năm triển khai dự án với rất nhiều thăng trầm, biến cố chính thức kết thúc.

Từ đây, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bước sang một giai đoạn mới với rất nhiều niềm tin và kỳ vọng về một công trình tầm vóc và mang đến sự đột phá cho giao thông Thủ đô.

Cụ ông Đào Văn Khương xếp hàng chờ được đi tàu (Ảnh: Phạm Công).

Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất trong ngày dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức khai thác thương mại, là cảnh người dân Thủ đô háo hức được trải nghiệm trên những chuyến tàu đầu tiên. Trong hàng dài những người xếp hàng chờ đến lượt được lên tàu có nhiều trường hợp là người cao tuổi, trẻ em. Không ít người trong số họ đã dậy từ tờ mờ sáng và di chuyển một quãng đường dài hàng chục cây số từ nhà đến nhà ga để được thỏa nguyện cảm giác đi tàu.

Trường hợp đặc biệt này chính là cụ ông Đào Văn Khương (SN 1934, trú tại huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Trong dòng người xếp hàng ở ga Yên Nghĩa, cụ ông đã 87 tuổi này nổi bật với chiếc áo sơ mi trắng và cặp kính lão và chiếc khẩu trang y tế nghiêm trang trên khuôn mặt. Chiếc mũ nồi đội ngay ngắn trên đầu không che hết được mái tóc bạc phơ của cụ. Hỏi chuyện mới biết cụ thức dậy từ 5 giờ sáng để sẵn sàng cho hành trình vượt qua gần 30 cây số từ nhà lên ga Yên Nghĩa để đi tàu.

Nhiều người cao tuổi háo hức đi trải nghiệm đi tàu Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: Phạm Hùng).

“Tôi thức dậy từ 5 giờ sáng để nhờ cháu chở ra bến xe buýt để đi ra ga Yên Nghĩa, trải nghiệm tàu” – cụ Khương nói và cho biết có mặt tại ga Yên Nghĩa từ lúc 7 giờ sáng 6/11 và kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi ngót 2 giờ đồng hồ để đến lượt đi tàu. Sau trải nghiệm đáng nhớ, cụ ông ở độ tuổi xưa nay hiếm này vẫn không quên đưa ra đánh giá về hành trình mình vừa được trải nghiệm.

Theo cụ, tàu điện của đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là loại hình vận tải công cộng hiện đại, nhanh chóng và rất an toàn đặc biệt rất chuyên nghiệp.

Hình ảnh của cụ Đào Văn Khương đã nói lên tất cả. Rằng người dân Thủ đô đã chờ đợi và kỳ vọng đến nhường nào cái ngày đặc biệt khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước chính thức lăn bánh phục vụ nhân dân. Dù rằng trong suốt hơn 10 năm qua với rất nhiều lần trễ hẹn của dự án đi kèm với đó là cảm giác thất vọng, hụt hẫng mà người dân phải trải qua, nhưng hơn tất cả, niềm tin và sự kỳ vọng mà cụ Khương và hàng triệu người dân Thủ đô dành cho đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa bao giờ tắt.

Nhiều hành khách đi tàu là trẻ nhỏ (Ảnh: Phạm Hùng).

Và khi dự án vượt qua được những rào cản cuối cùng để chính thức đưa vào khai thác thương mại, những sự thất vọng, hụt hẫng trước đó dường như hoàn toàn biến mất, nhường chỗ cho sự hân hoan vui sướng cùng niềm hi vọng lớn lao về những tiện ích lớn mà công trình đường sắt này mang lại trong những ngày tháng sắp tới, đúng như câu nói của cha ông ta: “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”.

Ngày đầu tiên khai thác thương mại, đã có gần 26 ngàn hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: Phạm Hùng).

Theo thông tin mới nhất từ Bộ GTVT, thống  kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho thấy, ngày 6/11, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã phục vụ được tổng số 25.680 hành khách vào ga trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Trong đó, ga Cát Linh chiếm 31% lượng hành khách; ga Yên Nghĩa chiếm 20,2% lượng hành khách và 10 ga giữa chiếm 49,7% lượng hành khách đi tàu trong ngày 6/11. Đây là con số ấn tượng và mang tới rất nhiều kỳ vọng về lưu lượng hành khách đi tàu sẽ tăng cao trong thời gian tới.

“Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có ý nghĩa quan trọng đối với giao thông công cộng của Hà Nội và là khởi đầu cho quy hoạch đường sắt. Đến nay, công trình đã hoàn thành và chấp nhận nghiệm thu, chuẩn bị đủ nhân lực, năng lực quản lý, xây dựng kế hoạch tiếp nhận bàn giao để vận hành khai thác”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn