Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước ngày bàn giao: Nhiều nhà ga xuống cấp, hư hỏng

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang trong giai đoạn chạy thử toàn hệ thống để đánh giá an toàn. Đây là bước chạy đà quan trọng để công trình này khai thác thương mại rồi bàn giao cho TP Hà Nội.

Dưới chân nhà ga Văn Quán tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông bị biến thành bãi đỗ xe tự phát.
Các đoàn tàu đã được cấp chứng nhận đăng kiểm
Chiều 15/12, tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn bộ 13 đoàn tàu điện của dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông đã được đơn vị kiểm định, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vào tháng 9/2020 vừa qua. Theo đó, việc kiểm tra các đoàn tàu của dự án đường sắt này được thực hiện theo quy chuẩn quốc gia về kiểm tra, nghiệm thu toa xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu tiến hành. Còn công tác kiểm định được thực hiện với 23 hạng mục ở trạng thái tĩnh và có cấp điện, kiểm tra vận hành trên tuyến. Nội dung kiểm tra gồm thực tế tổng thành thiết bị, linh kiện từng đoàn tàu (ở trạng thái tĩnh, chuyển động) và đối chiếu với hồ sơ thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện đường sắt nhập khẩu. Sau khi hoàn thành kiểm tra, phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định để đưa vào lưu hành.

Việc các đoàn tàu của đường sắt Cát Linh – Hà Đông được cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được coi là cơ sở để đảm bảo các đoàn tàu thực hiện vận hành thử nghiệm đánh giá an toàn hệ thống, trước khi nghiệm thu đưa vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, đây mới là một trong những điều kiện cần. Bởi ngoài các đoàn tàu, đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ phải trải qua khâu đánh giá và được cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống, mới được đưa vào vận hành thương mại. Với dự án đường sắt đô thị này, đơn vị được thuê đánh giá an toàn hệ thống là tư vấn tới từ Pháp. Sau khi tư vấn của Pháp có kết quả đánh giá an toàn hệ thống, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thẩm định, cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống trước khi dự án đi vào khai thác. Đây là điều kiện bắt buộc không chỉ với đường sắt Cát Linh – Hà Đông mà với tất cả các dự án đường sắt đô thị.
 Tình trạng rò rỉ nước xảy ra ngay tại nơi có điểm đấu nối dây điện. Ảnh: Quý Nguyễn.
Nhiều nhà ga bị xâm hại

Trong khi các công đoạn cuối cùng đang được gấp rút hoàn thành để đưa dự án vào khai thác, một vấn đề được dư luận rất quan tâm là hiện trạng các hạng mục của công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông giờ ra sao? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã thực hiện cuộc khảo sát tại 12 nhà ga trên toàn tuyến đường sắt này. Tình trạng chung đang diễn ra tại nhiều nhà ga là sự xuống cấp, hư hỏng tại khá nhiều vị trí, nhất là lớp sơn phủ đã bị rạn nứt, bong tróc nham nhở. Có thể kể đến như ga La Khê, ga Hà Đông, ga Văn Quán, ga Phùng Khoang... Thậm chí, một số nhà ga còn xuất hiện tình trạng thấm nước tại ngay vị trí đấu nối đường điện, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy. Theo quan sát của phóng viên, một số nhà ga đang thực hiện việc sửa chữa lớp sơn bị bong tróc nhưng vẫn mang tính chất chắp vá và chủ yếu làm ở khu vực dưới thấp, còn các vị trí sơn bong tróng, nứt vỡ trên cao rất khó để thực hiện.

Đáng nói, nhiều nhà ga của tuyến đường sắt này còn đang bị chiếm dụng trái phép để biến thành nơi để xe ô tô trái phép hoặc nơi kinh doanh. Điều này vừa gây mất mỹ quan, xâm phạm hành lang ATGT mà còn không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, tại ga Láng, toàn bộ khu vực phía dưới nhà ga bị biến thành một..."nhà vệ sinh công cộng" với rất nhiều thứ chất thải bị phóng uế bừa bãi, bốc mùi khai và hôi thối.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, từ hiện trạng nhiều nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị xâm hại trái phép để thành nơi đỗ xe, kinh doanh có thể thấy công tác bảo vệ công trình này, đặc biệt là khu vực phía dưới chân nhà ga không được quan tâm đúng mức. “Bài học về việc vỉa hè, lòng đường ở nhiều nơi bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh vẫn còn rất nhãn tiền. Với công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng vậy, cần phải tăng cường công tác bảo vệ để ngăn chặn việc công trình này bị xâm hại, chiếm dụng trái phép” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận và cho rằng, hiện dự án vẫn đang trong giai đoạn chạy thử và việc bảo vệ công trình thuộc về phía chủ đầu tư cũng như Tổng thầu. "Hiện tại trên các nhà ga lúc nào cũng có người trực nhưng phía dưới nhà ga lại gần như bỏ mặc. Như thế là không nên và đây chính là nguyên nhân khiến công trình bị xâm hại" - TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Trước khi công trình được bàn giao về cho địa phương, chủ đầu tư và Tổng thầu phải tổng rà soát toàn bộ dự án, sửa chữa những điểm hư hỏng, xuống cấp; đồng thời phải thực hiện giải tỏa những điểm chiếm dụng trái phép để có một công trình hoàn thiện, trọn vẹn nhất khi bàn giao.

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy