Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt đô thị: Cơ hội và thách thức cực đại cho doanh nghiệp nội địa

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, phần lớn các gói thầu quan trọng trong những dự án xây dựng đường sắt đô thị (ĐSĐT) ở nước ta vẫn do các nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm.

Trong bối cảnh hệ thống ĐSĐT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, các DN xây dựng trong nước đang đứng trước những cơ hội và thách thức cực lớn nếu muốn chuyển mình, chiếm lĩnh thị trường và khẳng định vị thế trên sân nhà.

Hiện diện khiêm tốn

Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lưu Trung Dũng cho biết, những năm gần đây, một số DN trong nước đã dần ghi dấu ấn tại các dự án ĐSĐT lớn khi tham gia vào các hạng mục quan trọng như: gia cố nền móng, lắp đặt hệ thống cơ điện và vận hành thiết bị công nghệ cao.

Điển hình như tại các dự án xây dựng ĐSĐT tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, một DN trong nước đã tham gia đảm nhận công tác gia cố nền móng, thi công tường vây, xử lý nền đất yếu bằng công nghệ tiên tiến, đồng thời vận hành TBM với vai trò thầu phụ.

Hai DN nội địa khác cũng tham gia cung cấp các cấu kiện bê tông đúc sẵn và đảm nhận việc thi công hệ thống cơ điện, bao gồm lắp đặt hệ thống cấp điện, thông gió, điều hòa không khí cho các nhà ga tại tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

DN trong nước tham gia vận hành máy TBM khoan hầm tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội.
DN trong nước tham gia vận hành máy TBM khoan hầm tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội.

Các chuyên gia cho rằng, nhà thầu trong nước có một số lợi thế đáng kể so với các nhà thầu nước ngoài bởi am hiểu sâu sắc điều kiện địa chất, môi trường và nhu cầu xây dựng hạ tầng đô thị tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dù đã có sự hiện diện, nhưng thực tế cho thấy, tỷ trọng công việc do các nhà thầu nội địa đảm nhận vẫn còn khiêm tốn. Hiện nay, phần lớn các gói thầu quan trọng trong các dự án ĐSĐT vẫn do các nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm.

Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ yêu cầu kỹ thuật khắt khe của các dự án xây dựng ĐSĐT mà còn do sự thiếu hụt kinh nghiệm triển khai thực tế, hạn chế trong công nghệ, tài chính và nhân lực chuyên sâu.

Việt Nam đang đặt mục tiêu xây dựng hệ thống ĐSĐT hiện đại tại các đô thị lớn nhằm giải quyết bài toán giao thông và hướng tới phát triển bền vững. Việc triển khai các dự án này không chỉ là cơ hội để hiện đại hóa hạ tầng đô thị mà còn là bước đệm quan trọng để các DN trong nước tham gia sâu hơn vào xây dựng và vận hành ĐSĐT. Và để tận dụng tối đa cơ hội này, cần phải có cơ chế đặc thù và chiến lược đồng bộ để các DN xây dựng nội địa chuyển mình.

Cơ chế đặc thù tạo sức bật

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, một trong 6 nhóm cơ chế chính sách đặc thù đối với phát triển ĐSĐT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mà Chính phủ trình lên Quốc hội là phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo: quy định các nội dung đặc thù về lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị; phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ.

Vì vậy, cần phải tạo điều kiện, ưu tiên cho nhà thầu nội địa tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tham gia các dự án ĐSĐT. Đồng thời các DN trong nước cũng cần nỗ lực hết sức để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật cực kỳ cao của những siêu dự án tỷ đô có ý nghĩa vô cùng quan trọng như ĐSĐT.

Theo vị chuyên gia này, để các DN Việt Nam từng bước chiếm lĩnh thị trường, khẳng định vị thế trên sân nhà việc nâng cao năng lực nội tại và xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp từ phía Chính phủ là yếu tố then chốt.

Trong đó, cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc đào tạo chuyên sâu đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề trong lĩnh vực đường sắt đô thị, kết hợp với việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm chuyên biệt.

Đồng thời, cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác giữa các DN nội địa và đối tác quốc tế nhằm tiếp thu công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực như thi công ngầm, cơ điện và vận hành.

Cải tiến cơ chế đấu thầu và chính sách hỗ trợ, hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong đấu thầu và tạo điều kiện để các nhà thầu Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn vào các gói thầu kỹ thuật cao.

Tăng cường nội địa hóa vật liệu và thiết bị, khuyến khích sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước nhằm giảm chi phí và tăng tính chủ động trong triển khai dự án.

Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo sức bật, giúp DN nội địa có cơ hội tham gia sâu hơn vào các dự án ĐSĐT, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước đảm nhận các gói thầu quan trọng. Điều này không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến mà còn giúp DN Việt Nam tích lũy kinh nghiệm, mở rộng quy mô và khẳng định vị thế trên thị trường xây dựng hạ tầng đô thị.

Trong tương lai, việc nâng cao năng lực công nghệ, tài chính và quản lý dự án sẽ giúp các DN Việt Nam tự tin đảm nhận những công trình quy mô lớn, giảm sự phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài và tạo động lực phát triển bền vững cho ngành xây dựng tại Việt Nam.