Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt đô thị: Hòa nhịp cùng Hà Nội văn minh, hiện đại

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức tranh giao thông muôn màu của Hà Nội hôm nay vẫn đang chờ đợi một mảnh ghép mang nhiều ý nghĩa là đường sắt đô thị (ĐSĐT). Có ĐSĐT, Hà Nội sẽ trở nên hoàn thiện, hiện đại và văn minh hơn, xứng đáng là một TP đáng sống, TP vì hòa bình.

 Tàu sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phạm Hùng

Xương sống của hệ thống giao thông

Bài học từ tất cả các nước phát triển trên thế giới cho thấy, ĐSĐT có vai trò vô cùng quan trọng đối với các đô thị phát triển. Với năng lực vận chuyển khối lượng lớn, thời gian ngắn, giá thành rẻ, ĐSĐT có thể đáp ứng thay thế phương tiện cá nhân trong di chuyển của đại bộ phận người dân. Không chỉ góp phần hạn chế tối đa UTGT, ô nhiễm môi trường từ khí thải, ĐSĐT còn có ý nghĩa định hình lại hệ thống giao thông của các đô thị. Bởi khi có ĐSĐT, lượng phương tiện cá nhân giảm đi; các loại hình vận tải công cộng khác như xe buýt, taxi… sẽ được tổ chức lại theo định hướng kết nối, phục vụ giải tỏa hành khách từ ĐSĐT.

Nhiều năm qua, càng phát triển mạnh mẽ, Hà Nội lại càng gặp nhiều khó khăn do UTGT, ô nhiễm môi trường. Mạng lưới vận tải công cộng hiện có, chủ yếu là xe buýt, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Thực tế đó cấp thiết đòi hỏi Thủ đô phải hình thành được hệ thống ĐSĐT, đưa vào vận hành, khai thác càng sớm càng tốt, để định hình và tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các loại hình vận tải công cộng.

Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu chia sẻ, theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ - TTg ngày 31/3/2016, Hà Nội sẽ có 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 417,8km. “Khi hoàn thành, các tuyến ĐSĐT sẽ tạo nên bộ khung xương sống hoàn chỉnh cho hệ thống giao thông vận tải Thủ đô, đem đến rất nhiều cơ hội phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị...” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Thêm nét đẹp cho văn minh đô thị

Trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019, tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông - tuyến ĐSĐT đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước đang hoàn tất khâu chuẩn bị cuối cùng trước khi chính thức lăn bánh phục vụ Nhân dân. Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường phân tích, sở dĩ tuyến ĐSĐT số 2A được kỳ vọng rất lớn bởi nó có những lợi thế mà không một loại hình vận tải công cộng nào có được.

Tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông có lộ trình 13,1km đường sắt đi trên cao, 1,7km ra vào khu depot, 12 nhà ga; đi qua một trong những trục chính đô thị có mật độ giao thông cao nhất của Hà Nội là: Nguyễn Trãi - Láng - Hoàng Cầu - Cát Linh. Vận tốc khai thác của đoàn tàu tuyến số 2A dự kiến sẽ đạt 35km/giờ; từ 10 – 15 phút/lượt; đáp ứng gần 1.000 hành khách/lượt; mỗi ngày tối đa vận chuyển được 140.000 - 180.000 hành khách. Với lợi thế hạ tầng vận hành riêng biệt, không xung đột với các loại hình giao thông vận tải khác, tuyến ĐSĐT số 2A sẽ đảm bảo vận chuyển hành khách thuận tiện, nhanh chóng hơn gấp nhiều lần các loại hình vận tải công cộng khác. Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Dư cho rằng, ĐSĐT xuất hiện còn là bước ngoặt quan trọng đối với việc xây dựng, bồi dưỡng văn hóa giao thông trong người dân Hà Nội. “Sử dụng ĐSĐT để đi lại thuận tiện, người dân sẽ nhanh chóng ưa chuộng nó, là cơ sở để không ít người từ bỏ phương tiện cá nhân” - ông Dư phân tích.

Đông đảo người dân Hà Nội đang rất mong chờ các tuyến ĐSĐT đi vào hoạt động. Bởi, đây không chỉ là loại hình vận tải công cộng với nhiều ưu điểm vượt trội mà nó còn được kỳ vọng sẽ tô điểm thêm vẻ đẹp cho một Hà Nội văn minh, hiện đại.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái phân tích, hiện nay, tình trạng UTGT diễn ra tại nhiều nơi. Trong giờ cao điểm, người người phải chen lấn, đi lại trong sự căng thẳng, mệt mỏi. Chính điều đó đang tác động tiêu cực đến hành vi, ứng xử, giao tiếp của mỗi cá nhân, khiến một bộ phận không nhỏ người dân nhiễm những thói quen không tốt như văng tục, gây gổ khi có va chạm giao thông; chen lấn, tranh giành từng khoảng trống để đi lại… “Với sức chở hàng nghìn người mỗi lượt, tàu điện sẽ đáp ứng rất tốt nhu cầu của người dân. Những chuyến đi không bị ngăn trở bởi ùn tắc, không có va chạm giao thông sẽ hạn chế những thói quen chưa tốt của người dân, qua đó góp phần xây dựng văn minh đô thị cho Hà Nội” - ông Thái lý giải.

Bước sang năm mới Kỷ Hợi 2019, Hà Nội đang tiếp đà phát triển, hướng tới trở thành TP thông minh, đáng sống của cả nước. Cùng với nhiều thành tựu khác, ĐSĐT đã và đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển ấy, khẳng định vai trò quan trọng cũng như những giá trị hiện thực của mình trong đời sống xã hội của Hà Nội - Thủ đô vì hòa bình.