Đường sắt đô thị là nét văn minh của xã hội hiện đại

Ngọc Hải (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước, số 2A Cát Linh - Hà Đông đã được đưa vào khai thác, vận hành ngày 6/11 vừa qua. Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường về việc xây dựng văn hóa giao thông với sự xuất hiện của loại hình vận tải công cộng (VTCC) hiện đại này.

 Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường
Nhân dân là mục tiêu và động lực

Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông vừa được đưa vào khai thác vận hành, ông có cảm nhận như thế nào về cách tiếp cận và sự chào đón của người dân Hà Nội?

- Với tư cách là người quản lý, điều hành cao nhất của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, đồng thời là một chuyên gia tâm huyết, gắn bó với giao thông đô thị của

Hà Nội nhiều năm qua, tôi cho rằng người dân rất phấn khởi khi lần đầu tiên TP đưa một loại hình VTCC hoàn toàn mới, hiện đại, văn minh hơn vào khai thác, sử dụng.

Ít ngày qua, tuyến ĐSĐT số 2A đã vận chuyển hơn 110.000 lượt hành khách, có nhiều người ở những huyện ngoại thành, đi vài chục cây số đến, thậm chí là từ tỉnh khác lên để đi thử ĐSĐT. Trước khi đi trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông còn rất nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đa phần sau khi trải nghiệm tàu thì người dân đều rất phấn khởi, ủng hộ. Đây là thành công của chúng ta. Cho nên tôi khẳng định, người dân Hà Nội đã đón chào một phương thức VTCC mới rất tích cực, dành sự ủng hộ rất lớn cho chủ trương xây dựng mạng lưới VTCC hiện đại, văn minh của Chính phủ, của TP Hà Nội.

Theo ông mục tiêu và động lực quan trọng nhất đối với ĐSĐT là gì?

- Với mọi loại hình VTCC nói chung và ĐSĐT nói riêng, mục tiêu lớn nhất là phục vụ Nhân dân, động lực lớn nhất là sự hài lòng của Nhân dân. Muốn đánh giá hiệu quả của bất kỳ dự án ĐSĐT nào đều phải căn cứ trên lượng hành khách đi tàu. Ví dụ như tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông, lượng hành khách đi tàu lớn đã thực sự tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ĐSĐT chúng tôi càng cố gắng để thu hút được hành khách đông hơn nữa. Qua đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông, tạo thói quen sử dụng loại hình VTCC hiện đại, văn minh, tiện lợi lần đầu tiên có ở Việt Nam là ĐSĐT.

Vậy phải làm gì để thu hút hơn nữa hành khách đến với ĐSĐT, thưa ông?

- Việc thu hút hành khách sử dụng dịch vụ ĐSĐT là một công việc cần phải được tiến hành bài bản, thường xuyên và liên tục. Ngay từ khâu đầu tư, xây dựng, chuẩn bị khai thác, vận hành, tổ chức, quản lý… đều phải đảm bảo những tiêu chí là tàu ĐSĐT đi nhanh hơn các loại hình VTCC khác, rẻ hơn phương tiện cá nhân để phù hợp nhất với người dân.

Ngoài ra còn phải có kịch bản tối ưu, đảm bảo đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của người dân như: bố trí điểm trông giữ phương tiện cá nhân, có hệ thống dịch vụ hàng hoá xung quanh nhà ga, kết nối ĐSĐT với xe buýt, taxi… thuận tiện, dễ dàng.

Bên cạnh đó, các địa phương có tuyến ĐSĐT cũng rất cần khuyến khích người dân sử dụng như Hà Nội đã hỗ trợ giá vé tuyến Cát Linh - Hà Đông. Hay chủ động xây dựng sổ tay hướng dẫn hành khách đi ĐSĐT thật cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ để mỗi một hành khách lại trở thành một tuyên truyền viên cho những người trong khu phố, gia đình, bạn bè, lan tỏa lợi ích và ưu điểm của ĐSĐT đến toàn xã hội.

Bồi đắp văn hóa giao thông

ĐSĐT đã bước đầu thành công khi tiếp cận người dân và tham gia vào mạng lưới VTCC của Hà Nội, vậy cần phải làm gì để duy trì và phát huy thành quả đó, thưa ông?

- Với quyết tâm và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, sự ủng hộ của hành khách, chúng tôi cho rằng càng ngày hình ảnh của ĐSĐT sẽ càng tốt đẹp hơn trong mắt người dân Thủ đô cũng như cả nước, là bước đà mạnh mẽ để ĐSĐT phát triển, phát huy vai trò xương sống của giao thông đô thị.

Muốn duy trì thành quả đó, bên cạnh những nỗ lực đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành của cơ quan chức năng, rất cần phải có những đóng góp thiết thực của người dân. Đặc biệt là phải xây dựng và lan toả được một cách rộng rãi nhất văn hoá giao thông, văn hóa đi tàu trong cộng đồng xã hội.

Cụ thể ông mong muốn gì ở người dân và hành khách trên các tuyến ĐSĐT?

- Một trong những ước muốn lớn nhất của người làm ĐSĐT như chúng tôi là được người dân chia sẻ khó khăn, đồng hành xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại với ĐSĐT là một trong những trọng tâm. Ví dụ như việc người dân cần phải dần quen với việc đi bộ để tiếp cận các nhà ga ĐSĐT. Những quãng đường từ ga đến trường học, cơ quan, về nhà có thể dài 500 - 1.000m thì người dân nên tạo thói quen đi bộ.

Ngoài ra, như tuyến ĐSĐT số 2A, hiện hai ga đầu cuối là: Cát Linh, Yên Nghĩa đã có 16 tuyến xe buýt; các ga còn lại tối thiểu cũng 7, 8 tuyến xe buýt kết nối. Người dân khi sử dụng ĐSĐT sẽ được hỗ trợ tối đa để chuyển tiếp sang các loại hình VTCC khác. Chúng tôi mong muốn tạo thành thói quen hoàn toàn sử dụng VTCC dần từ bỏ xe cá nhân ở mỗi người dân để góp phần giảm thiểu UTGT, ô nhiễm môi trường.

Có ý kiến lo ngại một tuyến ĐSĐT

Cát Linh - Hà Đông sẽ khó tác động để người dân từ bỏ thói quen cũ là sử dụng xe cá nhân. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội đã được quy hoạch đầy đủ, rõ nét với 10 tuyến, các tuyến này có kết nối chặt chẽ với nhau kể cả theo chiều hướng tâm hay tuyến vành đai. TP đang tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng các tuyến còn lại, khi hoàn thiện, mạng lưới ĐSĐT sẽ đáp ứng rất tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Trước mắt, tuy mới có một tuyến ĐSĐT đầu tiên đi vào vận hành nhưng phương án kết nối bằng xe buýt, tiếp cận tĩnh, tiếp cận động đều đã được tính toán cẩn thận và triển khai ngay sau khi mở tuyến phục vụ người dân.

Ở góc độ quản lý, chúng tôi cho rằng nhóm hành khách có thể sử dụng ĐSĐT "làm bạn đường đồng hành" là những người đi học, đi làm, cần loại phương tiện tối ưu để tránh ùn tắc vào giờ cao điểm; và ĐSĐT đáp ứng được yêu cầu này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dành sự quan tâm, phục vụ tốt nhất cho mọi loại hình hành khách khác. Bởi vậy, người dân có thể trải nghiệm, và tự mình nhận thấy những ưu điểm của ĐSĐT, đặt niềm tin vào đó, cùng nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại cho Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!

"Một trong những ước muốn lớn nhất của người làm ĐSĐT như chúng tôi là được người dân chia sẻ khó khăn, đồng hành xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại với ĐSĐT là một trong những trọng tâm. Ví dụ như việc người dân cần phải dần quen với việc đi bộ để tiếp cận các nhà ga ĐSĐT. Những quãng đường từ ga đến trường học, cơ quan, về nhà có thể dài 500 - 1.000m thì người dân nên tạo thói quen đi bộ." - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường