Đường sắt đổi mới, vươn tới châu Âu

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành đường sắt đang có những đổi mới rõ rệt trong cả chiến lược và hình thức kinh doanh nhằm tạo thêm sức hút cũng như tìm lại ánh hào quang trong quá khứ.

Tàu container chạy thẳng tới châu Âu được kỳ vọng mang nhiều đột phá cho ngành đường sắt. 
Tàu container chạy thẳng tới châu Âu được kỳ vọng mang nhiều đột phá cho ngành đường sắt. 

Năm 2022 được dự báo sẽ là năm có nhiều chuyển biến mang tính đột phá của ngành đường sắt trên con đường tự làm mới bản thân để “tìm lại chính mình”.

Linh hoạt trong nước, vươn tới châu Âu

Ngành đường sắt bắt đầu năm 2022 bằng tín hiệu tích cực khi lượng hành khách đi tàu tăng đột biến trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần. Có lẽ, đã lâu lắm rồi những “người con đẻ” của ngành đường sắt, những cán bộ, nhân viên làm việc trên những chuyến tàu mới được chứng kiến cảnh người dân chen nhau mua vé đi tàu. Thậm chí, nhiều người còn chấp nhận ngồi ghế phụ để được đi tàu. Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, việc người dân quay lại với đường sắt, bắt đầu lại với thói quen di chuyển bằng tàu hỏa đúng là tin vui thực sự.

Với “cú hích” này, ngành đường sắt đang cho thấy quyết tâm đổi mới để “tìm lại chính mình”. Điều này thể hiện ở chỗ ngành liên tục tung ra những chương trình khuyến mãi để thu hút khách ngay cả khi lượng khách đi tàu đang giảm mạnh. Đơn cử như chính sách giảm giá vé tàu 40% đối với hành khách mua vé cá nhân xa ngày đi tàu hay như chương trình bán vé nguyên khoang, nguyên toa giảm giá, phục vụ miễn phí suất ăn trên tàu.

Đặc biệt, song song với những chương trình khuyến mãi nhằm hút khách, ngành đường sắt cũng chủ động cắt giảm, dừng chạy các tuyến vắng khách, ít tiềm năng để tiết giảm chi phí. Điều này cho thấy, sau một thời gian bị động trước hiệu ứng quá nhanh của dịch Covid-19, ngành đường sắt đã bắt đầu thích ứng với tình hình mới, bối cảnh mới và chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh linh hoạt, hợp lý.

Cùng với chiến lược chạy tàu linh hoạt, ngành đường sắt cũng đang đưa vào những dịch vụ mới để hút khách, trong đó ưu tiên lớn vào phân khúc dịch vụ và điểm đến có tiềm năng lớn về du lịch. Điển hình là việc tổ chức chạy  đoàn tàu chuyên container chạy thẳng từ Đà Nẵng đi châu Âu. Theo Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt, việc tổ chức đoàn tàu chuyên container chạy thẳng từ Đà Nẵng đi châu Âu dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu tháng 3/2022 với chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ Đà Nẵng.

Theo lịch trình được lên sẵn, đoàn tàu sẽ gồm 23 container 40 feet, chạy từ Đà Nẵng đến huyện Đông Anh, Hà Nội bằng đường sắt khổ 1.000mm, sau đó chuyển toàn bộ container sang toa khổ 1.435mm. Từ đây, tàu tiếp tục chạy đến Ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng, làm thủ tục thông quan sang đường sắt Trung Quốc, đến Ga Trịnh Châu và kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích. Đoàn tàu chuyên chở hàng nội thất của hãng IKEA xuất sang châu Âu.

So với vận tải biển, vận tải hàng hóa bằng đường sắt có nhiều lợi thế nhất định.
So với vận tải biển, vận tải hàng hóa bằng đường sắt có nhiều lợi thế nhất định.

Lợi ích lâu dài

Trên thực tế, việc thực hiện những chuyến tàu container chở hàng từ Việt Nam đi châu Âu đã được ngành đường sắt thực hiện được từ trước đó. Vào ngày 20/7/2021, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã tổ chức chạy đoàn tàu hỏa chở container thẳng từ Hà Nội sang Bỉ.

Chuyến tàu hỏa chở container đầu tiên xuất phát từ Ga Yên Viên (Hà Nội) đến TP Liege (Bỉ) gồm các toa chở container chạy trên khổ đường sắt 1,435m với 23 container loại 40 feet chứa các loại hàng dệt may, da giày, điện tử.

Đại diện VNR cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến vận tải biển gặp nhiều khó khăn, những chuyến tàu container chở hàng chạy thẳng từ Việt Nam đến châu Âu sẽ là loại hình vận tải mới đầy tiềm năng. Nhất là khi mạng lưới vận tải đường sắt liên vận quốc tế vẫn đang được duy trì hiệu quả.

“Các đoàn tàu đi đến ga đích đúng giờ và đồng nghĩa với việc chi phí vận tải phù hợp. Bên cạnh các lợi ích về kinh tế, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt có tác động đến môi trường thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác như hàng không, đường biển” – đại diện VNR nhận định.

Thống kê của VNR cho thấy, trong 4 tháng đầu triển khai (từ tháng 7 đến tháng 11/2021), tuyến vận tải đường sắt container đầu tiên chạy thẳng từ Việt Nam sang châu Âu đã có khoảng 644 container 40 feet trên 28 đoàn tàu chuyên container đi châu Âu. Trung bình mỗi tuần sẽ có 3 chuyến tàu container được vận hành từ Việt Nam đến châu Âu.

Kế hoạch của ngành đường sắt trong năm 2022 sẽ có từ 4 - 5 chuyến mỗi tuần, kết hợp khai thác nguồn hàng từ châu Âu về lại Việt Nam với tần suất 2 chuyến/tháng. “Chúng tôi đang cố gắng tối đa tận dụng hết năng lực vận chuyển để gia tăng thị phần. Dự kiến, trong thời gian tới, nếu tổ chức thành công mỗi ngày một chuyến thì năng lực và cơ hội của ngành đường sắt sẽ nhiều hơn” – đại diện VNR cho hay.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, tuyến vận tải đường sắt container chạy thẳng từ Việt Nan sang châu Âu sẽ mở ra cho ngành đường sắt Việt Nam trục vận tải mới, chuyên tuyến, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp dọc tuyến vận chuyển bằng đường sắt.

“Đương nhiên với một chiến lược kinh doanh mới, cần có thời gian để thẩm định, đánh giá lại một cách chính xác nhất về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, với một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng như châu Âu thì đây là điều rất đáng chờ đợi” – một chuyên gia kinh tế nhận định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, do quãng đường từ Ga Yên Viên đến Ga Đồng Đăng rất ngắn nên tiền cước thu được từ những chuyến tàu container đi châu Âu mà ngành đường sắt thu được không nhiều.

Thế nhưng, bù lại đã xây dựng được tuyến vận tải kết nối quốc tế cho ngành đường sắt. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc giúp hàng hóa Việt Nam có thể đi thẳng sang thị trường châu Âu thông qua tuyến đường sắt quốc tế này.

Đây mới là lợi ích lâu dài mà chúng ta cần hướng đến. Đặc biệt, trong bối cảnh vận tải biển quốc tế đang có dấu hiệu quá tải và chi phí ngày càng đắt đỏ như hiện nay.

 

Theo đại diện VNR, hiện tại, bên cạnh chuyến vận tải đi thẳng châu Âu, VNR còn tổ chức các chuyến tàu vận chuyển container cũng chạy thẳng châu Âu nhưng không nguyên đoàn. Tính chung, sản lượng hàng xuất đi Nga và châu Âu trong 11 tháng năm 2021 của ngành đường sắt đạt khoảng 11.215 container 40 feet. Trong đó xuất từ Việt Nam đi là 5.777 container 40 feet và nhập từ châu Âu về là 5.438 container 40 feet.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần