Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt, hàng không chủ động nâng cao năng lực ứng phó thiên tai

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhờ chủ động triển khai ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, từ đêm ngày 7/9, hàng không đã mở cửa khai thác trở lại các chuyến bay. Sáng sớm ngày 8/9, ngành đường sắt thông tàu tuyến Bắc Nam, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, có hơn 120 chuyến bay (103 chuyến bay nội địa và 17 chuyến bay quốc tế) bị huỷ do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi). Bão số 3 không gây ảnh hưởng về người, chỉ gây thiệt hại về cơ sở vật chất tại một số cảng hàng không.

Sau bão Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn bị đổ khoảng 50m hàng rào an ninh ngăn cách khu vực hạn chế, đổ 200m hàng rào ranh giới cảng hàng không. Tại nhà ga hành khách, một số tấm kính lớp trang trí bên ngoài bị rơi vỡ. Khoảng 20 tấm kính ở mái kính bên ngoài nhà ga phía cầu cạn bị rơi vỡ. Khu vực ga quốc tế lượng nước mưa tạt vào lớn khiến khu cách ly quốc tế tràn nước xuống các phòng thiết bị.

Đài Kiểm soát không lưu bị bung bật 7 tấm trang trí tại thân Đài, hàng rào bao quanh Đài bị nghiêng 2 đoạn (khoảng 7m) và 1 đoạn tiếp giáp sân đỗ máy bay bị đổ. Cổng an ninh số 1 và 2 cũng bị bật và nghiêng.

Tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, lúc 16h ngày 7/9, bị mất điện lưới phải sử dụng máy phát. Khoảng 2,5m hàng rào Đài kiểm soát không lưu bị đổ; đổ 1 cây tại khu vực nhà ga cũ. Mái tôn nhà xe nhân viên cạnh Văn phòng Đại diện Cảng vụ bị bong 3 mảnh tôn, rơi vào mái phòng ngủ Trưởng Đại diện Cảng vụ gây thủng, dột. Một số tấm trần của nhà ga hàng hoá (nhà ga cũ) và phần bên nhà ga quốc tế bị bung ở phía trong, 1 cửa kính của sảnh đến quốc tế bị vỡ, mạng điện thoại bị gián đoạn liên tục.

Trước đó, để ứng phó với tình hình mưa bão phức tạp, ngay từ sớm, các cảng hàng không trong khu vực ảnh hưởng của bão số 3 gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Điện Biên đã chủ động chằng, neo tàu bay, gia cố công trình, khơi thông hệ thống thoát nước.

Đồng thời, điều tàu bay về các cảng hàng không không bị ảnh hưởng bão và điều chỉnh kế hoạch bay, thông báo thông tin chuyến bay đến hành khách. Bốn sân bay Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân được lệnh tạm thời đóng cửa trong thời gian bão đổ bộ.

Sân bay Nội Bài triển khai các phương án chằng, neo tàu bay để đảm bảo an toàn trước bão. Ảnh: Báo Giao thông
Sân bay Nội Bài triển khai các phương án chằng, neo tàu bay để đảm bảo an toàn trước bão. Ảnh: Báo Giao thông

Khi bão bắt đầu vào đất liền với sức gió ngày càng tăng, ngay trong chiều ngày 7/9, Cục hàng không đã ra quyết định kéo dài thêm thời gian ngưng tiếp thu, khai thác tàu bay tại sân bay Nội Bài và Vân Đồn để đảm bảo an toàn. Nhờ đó, công tác phòng chống bão tại các sân bay được chủ động hơn.

Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, để tránh thiệt hại, đảm bảo an toàn về người, phương tiện, ngay sau khi có thông tin về đường đi của bão số 3, đường sắt đã xây dựng các phương án đảm bảo an toàn chạy tàu và bãi bỏ 22 chuyến tàu khách từ ngày 7 – 12/9, đồng thời, dừng chạy toàn bộ tàu hàng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng.

Trước đó, ngành đường sắt cũng đã yêu cầu các đơn vị chủ động kiểm tra các vị trí xung yếu, tổ chức trực 24/24h để kịp thời chỉ đạo công tác khắc phục sự cố.

Theo báo cáo sơ bộ về tình hình thiệt hại của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, bão Yagi đã khiến các cột tín hiệu và cây cối gãy đổ, ngã vào các tuyến đường sắt, không có thiệt hại về người.

Ngay sau bão số 3, trong đêm ngành đường sắt đã ra quân dọn dẹp các ga tàu, khắc phục sự cố gãy đổ cây xanh, các cột tín hiệu hư hỏng để trả đường tàu chạy.

Dần hoàn thiện quy trình ứng phó thiên tai

Cục hàng không cho biết, theo thông báo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài dừng tiếp nhận tàu bay từ 10h - 24h ngày 7/9, nhưng đến 23h49 ngày 7/9 sân bay đã tiếp thu, khai thác trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Các trang thiết bị phương tiện mặt đất hoạt động bình thường, đảm bảo an toàn. 

Cảng hàng không Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới cũng trong diện an toàn, các trang thiết bị, nhà cửa, khu bay hoạt động bình thường. Trong đó ở sân bay Vinh, các chuyến bay thực hiện đúng theo kế hoạch.

Vào 20h ngày 7/9, Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn bắt đầu mở cửa trở lại sau 14 tiếng gián đoạn vận hành do ảnh hưởng bởi bão số 3.

Lãnh đạo Cảng hàng không Vân Đồn cho biết, bên cạnh việc triển khai hàng loạt công tác ứng phó với bão lũ, thiên tai, trong đêm 7/9, ngay sau khi gió giảm bớt cường độ, cán bộ nhân viên đã nhanh chóng bắt tay vào công tác khắc phục sự cố trong đêm gồm: rà soát các hạng mục cơ sở vật chất bị ảnh hưởng và dồn toàn bộ lực lượng sửa chữa, gia cố nhằm đảm bảo điều kiện bay an toàn nhất để đón khách trở lại.

Ông Hoàng Văn Dũng - Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Sân bay Vân Đồn ứng phó với một sự cố thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng như vậy. Chúng tôi cũng rút thêm được nhiều bài học kinh nghiệm trong ứng phó sự cố và sẽ hoàn thiện quy trình ứng phó thiên tai, đảm bảo thích ứng được mọi tình huống.”

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Anh Tuấn cũng cho biết, ngay sau bão số 3, trong đêm ngành đường sắt đã ra quân dọn dẹp các ga tàu, khắc phục sự cố gãy đổ cây xanh, các cột tín hiệu hư hỏng để trả đường tàu chạy. Lúc 4 giờ 52 phút ngày 8/9 tuyến đường sắt Bắc - Nam đã thông trở lại.

Cây gãy đổ ngay trước mũi tàu hỏa được nhân viên đường sắt khẩn trương thu dọn.
Cây gãy đổ ngay trước mũi tàu hỏa được nhân viên đường sắt khẩn trương thu dọn.

Các Công ty Cổ phần đường sắt Vĩnh Phú, Hà Thái, Hà Lạng, Hà Hải đã chỉ đạo tất cả phòng nghiệp vụ, các đội, các cung cầu đường kịp thời khắc phục hậu quả do cây đổ vào đường sắt trên những tuyến đường sắt, đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt; Công ty Cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội đã tổ chức sửa chữa và cảnh giới tại vị trí cần chắn bị gãy.

Theo chuyên gia giao thông, thạc sỹ Đỗ Cao Phan, thiên tai là sự cố bất khả kháng, nhưng nhìn nhận qua công tác ứng phó của các đơn vị thuộc ngành đường sắt và hàng không đối với bão Yagi cho thấy, việc chủ động nắm bắt diễn biến của bão, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo từ sớm, từ xa và quyết liệt của lãnh đạo Trung ương, bộ, ngành và địa phương đã giúp các đơn vị chủ động đảm bảo an toàn trong mưa bão.

Bên cạnh đó, việc khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục sự cố đã giúp ngành đường sắt và hàng không sớm khôi phục giao thông, đảm bảo nhu cầu đi lại của Nhân dân. Từ kinh nghiệm ứng phó sự cố này, các đơn vị sẽ càng có kinh nghiệm trong xử lý các rủi ro, nâng cao năng lực ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết có thể xảy ra trong thời gian tới.

Đại diện Cục hàng không và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết thêm, sẽ không chủ quan sau mưa bão mà tiếp tục theo dõi chặt diễn biến thời tiết, sẵn sàng các phương án xử lý nếu có sự cố xảy ra.