Mới đây, Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn đã thành công cho thử nghiệm chương trình biểu diễn âm nhạc (đàn violin, guitar) do các nghệ sỹ chuyên nghiệp thực hiện trong suốt hành trình của tuyến tàu du lịch từ ga Đà Lạt đi Trại Mát và ngược lại. Đây là hoạt động chào mừng 130 năm thành phố Đà Lạt hình thành và phát triển, đồng thời hưởng ứng việc Đà Lạt vừa được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.
Hiện mỗi ngày, đường sắt tổ chức chạy 4 chuyển Đà Lạt- Trại Mát, trong đó có khá nhiều khách du lịch Hàn Quốc. Trên hành trình Đà Lạt- Trại Mát dài 7km, khoảng 250 hành khách được thưởng thức 7-8 bài hát, bản nhạc về Đà Lạt hoặc các bản nhạc nổi tiếng khác theo yêu cầu. Thành công này mở ra triển vọng các đơn vị, tập thể sẽ thuê nguyên đoàn tổ chức sự kiện trên các đoàn tàu này.
Hướng tới thị trường khách du lịch
Mới đây, ngành đường sắt đã phối hợp với Sở VHTT Hà Nội tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với tâm điểm của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên). Rất đông du khách trong và ngoài nước đến đây để chiêm ngưỡng không gian nghệ thuật và trải nghiệm nhiều hoạt động vô cùng độc đáo, hấp dẫn. Chỉ trong 10 ngày tổ chức đã có 125.000 người đến với sự kiện độc đáo này.
Ga Long Biên, cầu Long Biên, ga Gia Lâm và Nhà máy xe lửa Gia Lâm - những địa điểm chính diễn ra các hoạt động của Lễ hội và những “chuyến tàu di sản” với các hoạt động văn hóa đa dạng trên các toa xe cộng đồng luôn được du khách, nhất là các bạn trẻ Hà Nội quan tâm.
“Hiện rất nhiều công ty du lịch tại Hà Nội đang quan tâm đến việc khai thác “chuyến tàu di sản” chạy đường vòng bắc Hồng, qua cầu Thăng Long, cầu Long Biên. Nếu tổ chức thành công, du lịch Hà Nội sẽ có thêm sản phẩm độc đáo cho khách quốc tế bởi năng lực đường sắt đáp ứng tốt các yêu cầu của đối tác” - Tổng giám đốc Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp chia sẻ.
Trước đó giữa tháng 10/2023, đường sắt đã chính thức khai trương "đoàn tàu chất lượng 5 sao" Hà Nội - Đà Nẵng SE19/SE20 thành công cả về mặt quảng bá thương hiệu lẫn hiệu quả kinh doanh. Đến nay, đây là loại phương tiện của rất nhiều đoàn khách du lịch châu Âu muốn đến Ninh Bình, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, với hệ số sử dụng chỗ luôn đạt 90%.
2 năm liên tiếp 2019 và 2020, tuyến đường sắt Thống Nhất đã được hãng tin Sputnik của Nga và N Travelle, chuyên trang du lịch nổi tiếng của Australia bầu chọn là 1 trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Theo Sputnik, nếu chọn lựa đi tàu, khách du lịch có thể khám phá Việt Nam qua những khung cảnh thơ mộng, đặc biệt là vùng biển miền Trung hoang sơ, đầy gió và nắng tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang,... để trải nghiệm vẻ đẹp nơi đây.
Năm 2021, tạp chí CNN đã đưa ra trải nghiệm trên toa tàu The Vietage Đà Nẵng - Quy Nhơn vào danh sách 6 hành trình tàu hỏa tuyệt vời nhất châu Á. Khác với những chuyến tàu thông thường khác, toa tàu The Vietage Đà Nẵng - Quy Nhơn được thiết kế cho hạng thương gia đầu tiên ở Việt Nam, phục vụ không quá 12 hành khách trên một lượt.
Với các tiện ích đẳng cấp quốc tế không khác gì một khách sạn 5 sao, bao gồm khu vực nhà hàng, quầy bar, phòng massage hay các bữa ăn mang hương vị Việt và Pháp, các loại rượu tuyển chọn, nước ngọt, trà và cà phê. Theo CNN, đây là chuyến đi “3 trong 1” kết hợp trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và lịch sử cho du khách.
Mới đây, chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng Lonely Planet đánh giá tuyến đường sắt Thống Nhất (đường sắt Bắc - Nam) của Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong 9 hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới, đánh giá đây là “ hành trình đường sắt hoành tráng đáng kinh ngạc”.
Du lịch trải nghiệm
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vào ngày 23/11 mới đây, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết: "Một số hãng thời trang, hàng hiệu nổi tiếng, trong đó có Louis Vuitton quan tâm, mong muốn tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội - TP Hồ Chí Minh phục vụ khách du lịch".
Đây là mô hình “train charter- thuê nguyên chuyến”, đoàn tàu được thiết kế như một khách sạn di động, trên hành trình Hà Nội- TP Hồ Chí Minh có thể dừng nghỉ tại các điểm tham quan đã lên kế hoạch. Theo ông Olivier Brochet, để thực hiện việc này cần sửa chữa, cải tạo các toa tàu cổ đã khai thác từ 30 năm trở lên và nhập khẩu vào Việt Nam để khai thác.
Khi mà trong kinh doanh vận tải không thể cạnh tranh đường dài với máy bay giá rẻ thì lâu nay du lịch-đường sắt lại được ví như "công chúa ngủ quên trong rừng". Phần lớn, các công ty du lịch mới chỉ dừng ở việc thuê nguyên toa, chưa có đoàn tàu du lịch đúng nghĩa như các hãng hàng không đã làm, đây là thời điểm tốt để đường sắt đánh thức tiềm năng này, bắt đầu thay đổi tư duy kinh doanh.
“Giờ đây, đường sắt không chỉ là loại hình vận tải thuần túy, đưa hành khách từ điểm A đến điểm B mà nó còn là phương tiện để du khách trải nghiệm, tìm hiểu rất nhiều giá trị di sản lịch sử, văn hóa của các vùng, miền khác nhau của đất nước, tận hưởng những phút giây thư giản" - Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ.