Là ngành kinh tế - kỹ thuật có lịch sử hơn 140 năm, nhưng đến nay, đường sắt đang đứng trước hàng loạt khó khăn, thách thức mà nguyên nhân khách quan có, chủ quan có, khiến 3.250 tỷ đồng vốn chủ sở hữu có nguy cơ mất trắng.
Từ năm 1938, nhà thơ Tế Hanh đã viết “Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu/Ngàn đời không đủ sức đi mau”. Mới đây đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, sau lần đi tàu từ Đồng Hới đến Diêu Trì đã để lại những dòng trăn trở để nhiều người làm trong ngành đường sắt thấy tâm đắc.
Tôi lại có dịp được đi tàu SE7
Lịch làm việc kín đặc khiến thời gian với tôi là thứ xa xỉ nhất. Cô trợ lý đã giúp đặt vé Quảng Bình - Hà Nội - Quy Nhơn nhưng phần vì không còn chuyến bay thích hợp, phần vì giá máy bay dịp cuối tuần cao quá nên tôi quyết định đi tàu hỏa.
Chuyến tàu khởi hành ở ga Đồng Hới bị chậm gần 1 tiếng nhưng không làm tôi căng thẳng vì phát hiện một quán cà phê rất đẹp ngay lối vào ga. Cách phục vụ của 2 vợ chồng mang cho tôi một cảm giác hết sức bình yên. Người chồng cặm cụi với nghề gia truyền làm đồ da. Khi tôi vào thăm, anh vội vàng khoác cái áo - một thói quen mà hình như đã bị quên mất vì cuộc sống hối hả ngược xuôi.
Cốc nước chanh trong vại bia đích thị được mua từ Hà Nội không gây ấn tượng cho tôi bằng sự nhẹ nhàng của giọng nói và cả trong câu chuyện cô chủ nhà chia sẻ. “Một túp lều tranh hai trái tim vàng”, niềm mơ ước giản dị nhưng có thật ở mọi nơi trên thế giới này. Chỉ đến khi loa thông báo tàu đã vào ga tôi mới vội vã chia tay và hẹn ngày gặp lại.
Vào được toa tàu bao nóng nực mùa Hè oi ả đều biến mất vì hệ thống điều hòa chắc được bật nấc cao nhất. Những ấn tượng tốt từ lần cuối đi tàu vẫn còn nguyên với chăn ga gối đệm, đồ ăn và đặc biệt là những nhân viên đường sắt. Nhưng những kỳ vọng thay đổi mà tôi gợi ý lại vẫn chẳng nhúc nhích tẹo nào. Ứng dụng công nghệ thông tin vẫn dừng ở mức đặt chỗ và xuất vé, nhà vệ sinh vẫn như xưa và đương nhiên là cũ hơn sẽ xấu, bẩn hơn.
Những toa tàu đã có tuổi đời ngót nghét 30 năm làm sao duy tu cải tạo được. Cá biệt những đoàn tàu từ thời Rumani thập niên 80 của thế kỷ trước vẫn còn sử dụng cho thấy lối thoát của ngành đường sắt khó khăn nhường nào. Tôi vẫn luôn lên tiếng để nâng cao thu nhập của nhân viên y tế nhưng khi nghe bạn nữ nhân viên đường sắt tâm sự, lo lắng thực sự đã tăng lên bội phần.
Thu nhập 2 triệu đồng
Phải chăng sự bất cập của hệ thống đến một lúc nào đấy đã dần dần bộc lộ ra mọi ngành nghề mà chúng ta chưa tìm được hướng đi để hòa nhập với tốc độ phát triển của xã hội. Cháu kể đã lập gia đình có 2 con và chồng cũng làm nhân viên đi tàu. Cháu ký hợp đồng không có lương cơ bản mà theo sản phẩm nghĩa là đi chuyến nào tính tiền chuyến ấy.
Tháng vừa qua được 2 chuyến Bắc Nam nên thu nhập là 2 triệu đồng. Những tháng dịch không đi thì thậm chí bảo hiểm xã hội cũng không được đóng. Tôi hỏi sống bằng gì, cháu trả lời rất nhanh, bán hàng online và không bỏ việc vì bố mẹ trong ngành động viên giữ truyền thống gia đình.
Còn rất nhiều câu chuyện bất cập mà vị trưởng tàu tâm sự với tôi nhưng cái mà tôi lo nhất đó là tâm trạng bi quan không có đường ra của chính những người trong ngành đường sắt dân dụng Việt Nam.
Ai cũng biết đường sắt là phương tiện vận chuyển quan trọng của cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Vậy nhưng hướng đi trước mắt và lâu dài đều chưa thấy, bằng chứng là chưa có một đề án nào được Chính phủ trình Quốc hội để cải tổ toàn diện ngành đường sắt Việt Nam.
Những thí điểm như các toa tàu tư nhân thuê đóng gắn vào đuôi các đoàn tàu SE cũng chỉ dừng ở mức thử nghiệm. Cần phải có những đột phá quyết liệt như các dự án đường cao tốc mà Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Tại sao những đoạn đường sắt “cao tốc” ở các tuyến Sài Gòn -Nha Trang, Đà Nẵng - Huế… liên kết giữa 2 trung tâm tiềm năng không được giao cho các công ty tư nhân thực hiện, đổi lại bằng cách cho phép khai thác tiềm năng rất lớn mà ngành đường sắt đang nắm giữ. Khi chúng ta không cho phép đầu tư ngoài ngành, liên doanh vì sợ trục lợi tham nhũng không có nghĩa chúng ta đóng chặt mọi cánh cửa để phát triển những ngành nghề có thể tạo ra của cải và chất lượng cho cuộc sống. Đấy cũng là giá trị vô cùng to lớn mà đường sắt mang lại.
Cô nhân viên đường sắt tâm sự lương có thấp nhưng vừa nghỉ 3 tuần đã thấy nhớ nhịp lắc lư của con tàu, nhớ những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng thiếu nó làm gì còn hương vị của cuộc đời phải không các bạn?
(Còn nữa)
Hành trình ngắn ngủi trên tàu S7 cũng kịp để đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tìm hiểu và nhận ra những yếu kém trong ứng dụng CNTT của đường sắt, tận mắt chứng kiến tình trạng đầu máy, toa xe quá lạc hậu. Chuyện trò với tổ tàu S7, bất ngờ ông nhận ra lương công nhân đường sắt còn thấp hơn cả nhân viên y tế, vốn đã được coi là thấp so với mặt bằng xã hội. Ông chợt nhận ra: “Cần phải có những đột phá quyết liệt….”.