Đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông
Là một trong nhóm chín tuyến đường sắt quy hoạch mới thuộc mạng lưới đường sắt của quốc gia đến năm 2030, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đã được đưa vào quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP Hồ Chí Minh từ năm 2013.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt này sẽ bắt đầu tại ga Thủ Thiêm, chạy song song phía bên phải đường bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và đường sắt TP Hồ Chí Minh – Nha Trang.
Đến Km9+200 tuyến rẽ phải, đường sắt Thủ Thiêm Long Thành đi song song phía bên trái của đường Vành đai 3 và vượt sông Đồng Nai. Tiếp tục đi vào dải phân cách nằm bên trái của đường Vành đai 3 theo quy hoạch của huyện Nhơn Trạch, sau đó, rẽ phải đi vào dải phân cách giữa đường tỉnh Quốc lộ 25B.
Tiếp đó, đến Km29+100, đường sắt Thủ Thiêm Long Thành rẽ phải tách ra khỏi tỉnh lộ 25B và đi vào hướng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, chiều dài khoảng 37,5km. Quy mô đề xuất thực hiện tuyến đường này theo khổ 1.435mm, đường đôi và chỉ phục vụ hành khách. Tổng mức đầu tư khoảng 40.566 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh tuyến đường sắt Bắc - Nam, có năm tuyến đường sắt kết nối TP Hồ chí Minh với các địa phương gồm tuyến: Nha Trang – TP Hồ chí Minh (đường sắt tốc độ cao), TP Hồ chí Minh - Cần Thơ, TP Hồ chí Minh - Lộc Ninh, TP Hồ chí Minh - Tây Ninh, Thủ Thiêm - Long Thành.
Trong đó, riêng đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành được kỳ vọng sẽ cùng với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu giúp đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Long Thành, từ đó, tạo điều kiện để phát huy tối đa lợi thế của "siêu" dự án này.
Nhiều vấn đề cần được làm rõ
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất là tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành sẽ sử dụng công nghệ hiện đại như thế nào.
Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, trong báo cáo đầu kỳ dự án, cơ quan này đã đề nghị đơn vị tư vấn lập nghiên cứu làm rõ hơn cơ sở lựa chọn công nghệ áp dụng cho dự án.
Trước đó, trong báo cáo đầu kỳ, Tư vấn mới chỉ liệt kê những dự án nước ngoài, sau đó đưa ra đề xuất mà chưa xây dựng cụ thể các tiêu chí để làm căn cứ lựa chọn.
Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu đơn vị tư vấn cần làm rõ tính khả thi của phương thức tiếp điện cho dự án với thực tiễn tại Việt Nam. Đồng thời, tư vấn cũng cần bổ sung nghiên cứu các nội dung về phòng ngừa, khắc phục sự cố thiên tai, tai nạn và nhiều hạng mục liên quan khác như: các thiết bị phục vụ di dời hành khách, trang thiết bị tại ga, cơ sở khám chữa đầu máy, toa xe, biện pháp phòng, chống cháy nổ trong ga ngầm..
Ngoài ra, đơn vị tư vấn còn cần nghiên cứu vị trí xây dựng Depot để đảm bảo khai thác hiệu quả, giảm chi phí vận hành trong quá trình khai thác.
Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn đề xuất áp dụng là nội dung cần thiết của báo cáo đầu kỳ. Bởi vậy, việc bổ sung danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án là cần thiết.
Trong trường hợp tham khảo áp dụng quy chuẩn nước ngoài cần phân tích so sánh đánh giá với tiêu chuẩn tương đương của Việt Nam cũng như phải xác định cụ thể các thông số hình học, cấp đường sắt tương ứng theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật đường sắt Việt Nam.
Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị đơn vị tư vấn, trong quá trình lập dự án, cần lưu ý về hành lang an toàn giao thông đường sắt, trong đó có đoạn đi song song với đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; Phân tích khả năng kết nối với các tuyến đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh để khai thác liên thông với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.