Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Đâu là kịch bản ưu việt nhất?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra 4 kịch bản để nghiên cứu, triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Vấn đề quan trọng là lựa chọn ra được kịch bản ưu việt nhất.

Đường sắt tốc độ cao ở Nhật Bản.
Đường sắt tốc độ cao ở Nhật Bản.

Ưu tiên nguồn lực nâng cấp, bảo trì hạ tầng đường sắt

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định về kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ việc tổ chức triển khai lập quy hoạch đối với các tuyến, ga đường sắt được quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2030.

Theo quyết định trên, sẽ có 3 quy hoạch tuyến, ga đường sắt. Thứ nhất là quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối (gồm đầu mối TP Hà Nội, đầu mối TP Hồ Chí Minh và khu vực đầu mối TP Hải Phòng).

Thứ hai là quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (bao gồm cả đoạn nối đến Hạ Long).

Thứ ba là quy hoạch các ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế (trừ các ga đã có trong quy hoạch các khu đầu mối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng).

 

Tháng 2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 49-KL/TW với định hướng đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (gồm đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang); trước năm 2045, hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Ngoài ra, các tuyến đường sắt đang chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư được cập nhật thành quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngảnh. Đó là những tuyến: TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ; Biên Hòa - Vũng Tàu; Cái Mép - Thị Vải; Thủ Thiêm - Long Thành; Hà Nội - Hải Phòng kết nối với cảng Lạch Huyện; tuyến nối ray ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc, kết nối với Trung Quốc và một số nước; Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm rà soát chi tiết các tuyến ga đường sắt để đưa vào quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ.

Đối với đường sắt hiện có, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn tuyến, ga đường sắt trên tuyến hiện có đã được xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Nhà nước ưu tiên nguồn lực phát triển, nâng cấp, bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ bố trí gần 16.000 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho đường sắt; giai đoạn 2026-2030 sẽ cần 224.000 tỷ đồng gồm đầu tư công, vốn hợp pháp khác.

Với những dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giai đoạn sau năm 2030, có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, yêu cầu báo cáo Thủ tướng chấp thuận kế hoạch đầu tư sớm hơn.

Bộ GTVT vẫn đang nghiên cứu, lựa chọn ra kịch bản tối ưu nhất cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Bộ GTVT vẫn đang nghiên cứu, lựa chọn ra kịch bản tối ưu nhất cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Vẫn chưa “chốt” được kịch bản tối ưu

Một trong những dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước trong thời gian qua là Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đối với dự án trên, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục chuẩn bị, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Trước đó, trong báo cáo tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ GTVT đã đưa ra 4 kịch bản để nghiên cứu, triển khai dự án. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, cơ quan này sẽ chỉ tập trung nghiên cứu 2 kịch bản, được cho là tối ưu nhất.

Cụ thể, kịch bản thứ nhất là xây dựng đường sắt Bắc - Nam với đường đôi, khổ ray 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác 320 km/h, chỉ chạy tàu khách; kết hợp cải tạo đường sắt hiện hữu để chuyên chở hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến cho phương án này khoảng 58,71 tỷ USD.

Kịch bản thứ hai là xây dựng tuyến đường sắt Bắc – Nam mới, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, kết hợp khai thác cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 64,9 tỷ USD.

Theo Bộ GTVT, cơ quan này đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ tập trung nghiên cứu 2 kịch bản trên. Trong đó, kịch bản thứ nhất, Bộ GTVT đánh giá, lợi thế là giúp tuyến đường sắt trong tương lai đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trên trục Bắc - Nam với năng lực lớn, tách vận tải khách và hàng hoá; rút ngắn thời gian đi lại của người dân; chi phí đầu tư và vận hành khai thác bảo dưỡng thấp.

Tuy nhiên, kịch bản này lại có nhược điểm là vận tải hàng hoá trên đường hiện hữu vẫn sử dụng khổ ra 1.000 mm, trong khi các tuyến đường sắt đầu tư sau sẽ làm khổ ra 1.435 mm. Điều này dẫn tới phải tổ chức đấu nối, trung chuyển, không thuận lợi cho kết nối lưu thông hàng hoá xuyên suốt trên toàn mạng đường sắt.

Còn đối với kịch bản thứ hai, Bộ GTVT nhận định, ưu điểm của phương án 2 này là thuận lợi cho khai thác hàng hoá trên trục Bắc - Nam, kết nối thuận lợi việc chạy tàu trên toàn mạng đường sắt và liên vận quốc tế với ray 1.435 mm.

Song bù lại, nhược điểm của phương án đầu tư đường sắt khai thác kết hợp cả tàu khách và hàng là tính hấp dẫn với hành khách không quá lớn do tốc độ khai thác tàu khách giảm, thời gian đi lại lâu hơn phương án 1. Cùng đó, theo phương án này chi phí đầu tư và khai thác lớn, do phải đảm bảo khai thác tàu hàng.

Các chuyên gia khẳng định, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô và kinh phí đầu tư lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ phức tạp; ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước nên cần nghiên cứu, thẩm định, thẩm tra kỹ lưỡng, bảo đảm sự thành công, hiệu quả đầu tư.

 

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được trình Chính phủ vào tháng 2/2019. Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định. Theo đó, dự án đi qua 20 tỉnh, là đường đôi, khổ 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD.