Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt tốc độ cao là cơ hội cho ngành thép

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với trị giá hơn 33 tỷ USD, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, trong đó thúc đẩy, tạo cơ hội cho ngành công nghiệp thép.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo ra những cơ hội mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành thép.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo ra những cơ hội mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành thép.

Nguyên liệu chính cho dự án

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Việt Nam trong tương lai. Khi hoàn thành, nó sẽ không chỉ là phương tiện giao thông hiện đại mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, kết nối các vùng miền, và tạo ra những cơ hội mới cho  những ngành công nghiệp, du lịch và thương mại.

Với chiều dài toàn tuyến 1.541km, việc đầu tư Dự án dự kiến tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD).

Chuyên gia vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung nhìn nhận, để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, một lượng lớn thép sẽ được sử dụng cho các công trình cơ sở hạ tầng như cầu, ga, đường ray, và hệ thống hỗ trợ khác. Các cấu kiện thép chất lượng cao sẽ được yêu cầu cho việc xây dựng nhà ga, cầu vượt, hầm, và các công trình khác.

Đi cùng với đó, bên cạnh công trình chính là đường sắt, các dự án phát triển đô thị và công trình phụ trợ khác cũng sẽ tiêu thụ một lượng thép lớn, như hệ thống giao thông, bến bãi, và khu công nghiệp dọc theo tuyến đường sắt.

Ngoài ra, để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao, các đoàn tàu hiện đại, có khả năng đạt tốc độ cao, cần được sản xuất với kết cấu thép chắc chắn và an toàn. Ngành thép trong nước sẽ có cơ hội cung cấp thép cho các công ty sản xuất tàu và các thiết bị liên quan.

Việc sản xuất tàu và các thiết bị có yêu cầu rất cao về chất lượng thép, chẳng hạn như thép hợp kim, thép không gỉ, thép chống ăn mòn, và thép chịu lực. Đây là cơ hội lớn để các nhà sản xuất thép Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao.

"Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành thép Việt Nam. Từ việc tăng trưởng nhu cầu thép cho các công trình cơ sở hạ tầng, sản xuất tàu, thiết bị vận hành, đến việc nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu thép, dự án này có thể thúc đẩy ngành thép phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai" - thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết.

Doanh nghiệp sẵn sàng

Ngành thép Việt Nam hiện có sự tham gia của các thành phần kinh tế đa dạng từ Nhà nước, FDI và tư nhân. Trong đó, khu vực tư nhân và FDI chiếm tỉ trọng lớn và là lực lượng dẫn dắt, quyết định thị trường.

Với các dự án lớn như Formosa Hà Tĩnh, Hòa Phát, Dung Quất đều sử dụng công nghệ lò cao - lò thổi truyền thống với thiết kế và trang bị kỹ thuật hiện đại, dung tích lò lớn; quy trình sản xuất khép kín, tối ưu hóa sử dụng năng lượng; các dây chuyền cán thép được lựa chọn kỹ thuật công nghệ tiên tiến và tự động hóa cao.

Trước đó, các nhà máy của POSCO Việt Nam, Công ty Cổ phần China Steel & Nippon Steel Việt Nam, hoặc một số nhà máy sản xuất thuộc khu vực tư nhân như Tôn Đông Á, cán nguội Hòa Phát… được đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại. Ngành thép đã chú trọng đầu tư vào các dự án quy mô lớn, sản xuất sản phẩm trước đây chưa có như thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội...

Tại buổi hội thảo “Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát" được tổ chức mới đây, Giám đốc tài chính Hòa Phát Phạm Thị Kim Oanh cho biết, chủ trương "phải sử dụng" hàng hóa của doanh DN trong nước sản xuất được vào các gói thầu. Dự án là niềm tự hào của các DN Việt, trong đó có Hòa Phát vì công ty đang là công ty đứng đầu ngành thép.

Dự án Dung Quất 2 công ty còn sản xuất được những loại thép có chất lượng cao hơn cả đường ray tàu cao tốc. Đây là loại thép mỏng nằm trong lốp ô tô nên đòi hỏi độ khó cao nhưng Hòa Phát đã sản xuất được. Tuy nhiên hiện nay sản lượng sản xuất của tập đoàn còn thấp nên nhiều nhà đầu tư chưa thể nhìn thấy điều này.

Ngoài ra, bà Phạm Thị Kim Oanh cũng chia sẻ, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long khẳng định trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Do đó, việc sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc hoàn toàn trong khả năng của tập đoàn.

Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, dự án cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại. Đây là các loại thép mà Việt Nam đều sản xuất được. Nếu trở thành nhà cung cấp thép cho dự án này, Hoà Phát cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao.

Được biết, Hòa Phát còn có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Yên xin chủ trương đầu tư một số dự án lớn trong tỉnh, trong đó có dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép. Dự kiến nhà máy này sẽ có sản phẩm thép đường ray cao tốc có kích thước phổ biến từ 50 - 100m, được vận chuyển bằng đường sắt thay vì vận chuyển bằng đường bộ đến công trường.