Dx Summit 2022: Hợp lực chuyển đổi số

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (25/5), Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 (Vietnam - ASIA DX Summit 2022) đã chính thức khai mạc. Với chủ đề “Hợp lực chuyển đổi số”, sự kiện sẽ diễn ra trong 2 ngày 25-26/5 tại Hà Nội.

Kinh tế số và mục tiêu chiếm chiếm 20% GPD

Được biết, Vietnam - ASIA DX Summit 2022 là sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Bộ TT&TT tổ chức. Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cùng hơn 3.000 lượt đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 10.000 lượt đại biểu theo dõi trực tuyến từ các nước, vùng lãnh thổ như: Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản…

Toàn cảnh Vietnam - ASIA DX Summit 2022
Toàn cảnh Vietnam - ASIA DX Summit 2022

Diễn đàn năm nay bao gồm 5 hoạt động chính: Các hội thảo chuyên sâu về Chính phủ số, doanh nghiệp số, kinh tế số - xã hội số; Triển lãm giới thiệu các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số xuất sắc; Đào tạo 3 chương trình về chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs, doanh nghiệp sản xuất, và Chuyển nhận thức chuyển đổi số cho lãnh đạo…

Cùng với đó là 22 phiên thảo luận tập trung vào 4 chuyển đề lớn là chính phủ số, doanh nghiệp số, kinh tế số - xã hội số và kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát nhiều đợt trên toàn quốc khiến các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều bị ảnh hưởng. Trong đó có cả Việt Nam khi GDP tăng trưởng 2,59% chỉ bằng 50% so với dự báo. Đặc biệt, có đến gần 55.000 doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động. Con số trên cho thấy các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có sức đề kháng rất yếu và dễ bị tổn thương, phá sản do các tác động của rủi ro. Hầu hết là các tổ chức, doanh nghiệp chưa chuẩn bị, chưa chủ động sẵn sàng chuyển đổi số dù đã có cả năm 2020 để thích ứng.

Để có thể thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số, có thể nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, đây là quốc gia điển hình về thành công của nền kinh tế số với mức tăng trưởng luôn rất ấn tượng. Theo thống kê, quy mô nền kinh tế số của Trung Quốc đã chỉ chiếm 15% GPD vào năm 2008 đã tăng lên đến 37% vào năm 2019. 

Chính từ thành công này, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhìn thấy cơ hội về phát triển kinh tế số từ đó đã mau chóng có những chiến lược về chuyển đổi số cho riêng mình. Không chỉ những quốc gia phát triển như Singapore, Canada mà ngay cả những cái tên đến từ châu Phi như Kenya cũng đã bắt đầu chuyển đổi số từ khá sớm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Khoa, trong năm 2021, báo cáo "e-Conomy SEA 2021" của Google cho biết nền kinh tế số của Việt Nam ước đạt 21 tỉ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, dự kiến đạt 57 tỉ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số.

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu là đến năm 2025, kinh tế số của Việt Nam phải chiếm 20% GPD và tiến tới 30% vào năm 2030. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong từng ngành, lĩnh vực tỷ trọng kinh tế số phải đạt tối thiểu 10%. Đây là mục tiêu rất thách thức cần sự vào cuộc của mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế số.

Trên thực tế, quá trình chuyển đổi số không chỉ diễn ra mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp mà ngay từ các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay thậm chí là cả nơi khó khăn như Hà Giang sự thay đổi mang tính “cách mạng” này đã được diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên nếu muốn quá trình này hiệu quả hơn thì rất cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp CNTT trong nước.

Chủ tịch VINASA cho rằng, với năng lực hiện tại của cộng đồng doanh nghiệp CNTT trong nước, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển các nền tảng nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Đặc biệt với số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 95%, đây không chỉ là đối tượng khách hàng lớn mà còn là cấu phần chính của nền kinh tế số đất nước.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp CNTT cũng cần đẩy mạnh vào khâu đầu tư, nghiên cứu các công nghệ mới nhằm phục vụ cho chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, Blockchain … Mục tiêu là đưa chất xám của người Việt vào những sản phẩm Việt nhằm tạo điều kiện tiếp cận chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt với mức giá rẻ hơn.

Chuyển đổi số là mục tiêu toàn quốc

Đứng dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) Nguyễn Trọng Đường khẳng định, chuyển đổi số nhằm hướng tới chính phủ số - kinh tế số - xã hội số là mục tiêu của toàn bộ hệ thống chính trị. Đây được xác định là quá trình chuyển đổi không thể đảo ngược nếu muốn Việt Nam thịnh vượng trong tương lai.

Gian hàng của các doanh nghiệp chuyển đổi số
Gian hàng của các doanh nghiệp chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, câu chuyện chuyển đổi số quốc gia đã được Việt Nam tiếp cận từ khá sớm khi ngay từ năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 trong đó đã đề ra chủ trương chủ động tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ 4. Tiếp đó vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đây có thể coi là bước khởi động quan trọng về nhận thức chuyển đổi số trên toàn quốc.

Và mới đây nhất, trong năm 2021, việc Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” chính là “phát súng lệnh” để thực hiện chuyển đổi số từ cấp Chính phủ, cơ quan nhà nước nhằm lan tỏa tinh thần này đến toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Có thể nói, chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam ngay từ mặt chính sách đã được tiếp cận hết sức thận trọng nhưng không bỏ lỡ thời cơ mà sự thay đổi này mang lại. Cần chú ý, đến thời điểm này, Việt Nam là một trong só 14 quốc gia trên thế giới đã có chiến lược quốc gia về kinh tế số - xã hội số.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, để chuyển đổi số thành công và thuận lợi thì Việt Nam rất cần một thể chế số và trong 2 năm trở lại đây thể chế số này đã được khởi động và hoàn thiện. Một trong những điển hình là việc triển khai sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, nhiều ý kiến cho rằng đây chính là Luật Chuyển đổi số bởi Luật này tác động đến mọi hoạt động giao dịch trên không gian mạng, nền tảng cơ bản và quan trọng nhất của chuyển đổi số. 

Trong năm 2022, Bộ TT&TT sẽ tập trung vào xây dựng Dự thảo luật sửa đổi của Luật Giao dịch điện tử để trình Chính phủ và Quốc hội. Cũng thông qua bản Dự thảo này, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát lại các quy định về lệ phí xung quanh các giao dịch trực tuyến để giao dịch điện tử không chỉ là nhanh hơn mà còn phải rẻ hơn ngoài đời thực.

Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ chế thử nghiệm không gian số đặc thù như chống độc quyền trong kinh tế số. Thúc đẩy các tỉnh thành, bộ ngành phải sẵn sàng cùng cấp 100% dịch vụ công trực tuyến có thể giao dịch trực tuyến và bắt buộc một số dịch vụ bắt buộc phải thanh toán trực tuyến …, ông Nguyễn Trọng Đường cho biết thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần