Saturday, 22:35 31/05/2014
Ebook vi phạm bản quyền nhiều hơn sách in
Kinhtedothi -
Không chỉ sách giấy bị in lậu, bày bán ngang nhiên, mà chỉ một thời gian rất ngắn sau khi sách điện tử trình làng, những bản sao bất hợp pháp lập tức phát tán rộng rãi trên internet. Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị kinh doanh sách điện tử.
Dễ dàng phát tán
Ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Công ty CP Sách Alpha cho biết, sách điện tử hiện có 2 dạng là sách văn học điện tử (ebook) và audio book (sách nói). So với sách in, sách điện tử có con đường đến với độc giả ngắn nhất, chỉ cần một thiết bị đọc điện tử. Nhưng đó cũng là điểm yếu khiến các bản sao bất hợp pháp dễ dàng được phát tán. Một số dạng vi phạm điển hình hiện nay là: Số hóa các tác phẩm văn học; kinh doanh ebook thông qua việc cho phép đọc, truy cập, sao chép và lưu trữ trên các website, sao chép cá nhân bằng các kỹ thuật hiện đại... mà không xin phép tác giả và không hề trả tiền bản quyền.
![]() Sách in và sách điện tử lậu hoành hành.
|
Đại diện Chibooks cũng phàn nàn, để hoàn thành một cuốn sách in mất khoảng 6 tháng, nhưng việc biến thành ebook và đưa lên internet chỉ mất vài ngày. Do đó, ebook lậu khiến các đơn vị phát hành sách in bị thất thu nặng. Mặt khác, dù các đơn vị kinh doanh ebook đều áp dụng các biện pháp bảo mật, nhưng hiệu quả thực sự chưa cao. Nhiều đầu ebook mới "ra lò" đã bị sao chép, lan truyền rộng rãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của nhà phát hành.
Giới chuyên môn nhận định, tuy giá sách điện tử chỉ bằng 1/2 - 1/3 giá sách giấy nhưng độc giả vẫn ngại mua. Mặt khác, phần lớn người Việt Nam vẫn có thói quen đọc "sách chùa", nhiều trang web lại đáp ứng điều này nên ít người chi tiền ebook. Nguyên nhân khác là do nhiều tác giả trẻ muốn nhanh chóng nổi tiếng, đã dễ dãi chấp nhận, thậm chí cung cấp các sáng tác của mình miễn phí, "tiếp sức" cho nạn xâm hại tác quyền trên internet.
Biện pháp chưa đủ mạnh?
Bức xúc vì bị vi phạm bản quyền, nhiều đơn vị kinh doanh, phát hành sách đã khởi kiện nhưng nhiều trang web vẫn ngang nhiên không dỡ bỏ ebook lậu. Nguyên nhân là bởi, Luật Xuất bản hiện vẫn chung chung, chưa có những quy định rõ ràng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Để chống lại vấn nạn này, nhiều nhà xuất bản cho biết sẽ hạ giá thành xuống mức thấp nhất để độc giả được đọc ebook thật. Đơn cử, Nhà xuất bản Trẻ đã hạ giá bán ebook xuống còn 5.000 - 10.000 đồng/bản, thậm chí có thể chỉ là 1.000 đồng/bản. Mặt khác, vì sợ ebook lậu ảnh hưởng đến doanh thu nên nhanh nhất cũng phải 2 tháng sau khi sách giấy phát hành, các đơn vị mới chuyển qua ebook để kinh doanh. Rõ ràng, những biện pháp nhằm ngăn chặn nạn sách lậu của các nhà xuất bản và các cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe. Vừa phải chống lại nạn sách lậu, các nhà xuất bản còn phải đương đầu với thuế xuất bản nên nhiều đơn vị bị đẩy đến bên bờ vực thẳm, thậm chí phá sản.
Nhà văn, nhạc sỹ Hamlet Trương cho rằng, sách điện tử là một xu thế tất yếu của văn hóa đọc. Tuy nhiên, để sách điện tử có bước phát triển vững chắc, không chỉ cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ cùng chế tài mạnh, như xóa sổ các cá nhân, trang web vi phạm bản quyền sách in và ebook. Để giải quyế vấn đề này về lâu dài, ông Ngô Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản đề xuất, đưa kiến thức về pháp luật bảo hộ quyền tác giả nói chung, Luật xuất bản nói riêng vào chương trình giáo dục phổ thông, đại học và tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo hộ quyền tác giả, xử lý sách lậu.