ECOSOC và cơ hội tham gia định hình các quy tắc quốc tế của Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 182/187 phiếu, Việt Nam đã trúng cử và chính thức bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ thành viên Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) của Liên Hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2016 - 2018 từ ngày 1/1/2016.

ECOSOC và cơ hội tham gia định hình các quy tắc quốc tế của Việt Nam - Ảnh 1
Dù không phải là lần đầu tiên trúng cử vào ECOSOC nhưng trong bối cảnh Đại hội đồng LHQ vừa thông qua chương trình nghị sự phát triển bền vững tới năm 2030, bạn bè quốc tế đã đặt nhiều kỳ vọng vào những đóng góp của Việt Nam cùng 53 thành viên còn lại ECOSOC trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đại sứ Argentina Maria Cristina Perceval - Phó Chủ tịch ECOSOC.
Đại sứ Argentina Maria Cristina Perceval - Phó Chủ tịch ECOSOC.
Đại sứ Argentina Maria Cristina Perceval - Phó Chủ tịch ECOSOC nhấn mạnh, việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao cho thấy, các thành viên LHQ rất tin tưởng vào vai trò của Việt Nam trong ECOSOC - một trong những cơ quan chủ chốt của LHQ.
Đại sứ Hàn Quốc Oh Joon - Chủ tịch ECOSOC.
Đại sứ Hàn Quốc Oh Joon - Chủ tịch ECOSOC.
Trong khi đó, Đại sứ Hàn Quốc Oh Joon - Chủ tịch ECOSOC cho biết, “điều đặc biệt quan trọng đối với tất cả các thành viên của ECOSOC là việc có một thành viên mới như Việt Nam”. Đồng thời bày tỏ mong muốn “sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi tại ECOSOC”.
Nhận định về việc Việt Nam trở thành thành viên ECOSOC, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết đây là bước quan trọng triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XI, thể hiện tầm nhìn dài hạn, chiến lược của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và đẩy mạnh ngoại giao đa phương nói riêng. Tiếp nối việc đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2008 - 2009), thành viên Hội đồng Nhân quyền (2014 - 2016), tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, việc trúng cử làm thành viên ECOSOC sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào công việc chung của LHQ, tổ chức toàn cầu lớn nhất, từ đó trực tiếp tham gia định hình các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. 

Là một trong 54 thành viên của ECOSOC, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để tham gia sâu, rộng hơn, vào việc xây dựng, định hình “luật chơi chung” của thế giới, thông qua việc đóng góp tiếng nói trách nhiệm, xây dựng của mình vào các chính sách, văn kiện, hành động của ECOSOC trong các lĩnh vực rất phong phú của đời sống kinh tế, xã hội của thế giới. 

Trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới làm thành viên ECOSOC, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào tiến trình thực thi Chương trình nghị sự phát triển bền vững tới năm 2030. Việt Nam cũng sẽ có thêm điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế để phát triển kinh tế và xã hội ở trong nước. Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần