EU “bật đèn xanh” áp lệnh trừng phạt mới với Belarus, Pháp cảnh báo Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Pháp cảnh báo Nga về tình hình Ukraine, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đồng ý sẽ áp thêm lệnh trừng phạt mới với Minsk vì cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belasus - Ba Lan.

Reuters hôm 15/11 đưa tin, phát biểu qua điện thoại với Tổng thống Vladimir Putin trong khuôn khổ hội đàm giữa các nước phương Tây với Nga, Belarus và Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này hết sức quan ngại về tình hình biên giới Ukraine.
 Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Latvia, Litva và Ba Lan đã trở nên căng thẳng vào ngày 8/11. Ảnh: AFP 
Pháp thông tin cho Nga rằng NATO đang chuẩn bị thực hiện bảo vệ chủ quyền Ukraine, tại địa điểm gần khu vực mà tổ chức này cáo buộc Nga có động thái tập trung quân đội. "Tổng thống Pháp đã tái khẳng định sự sẵn sàng trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine", một cố vấn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng NATO không muốn suy đoán về ý định của Nga đối với Ukraine. "Chúng tôi đã nhận thấy hoạt động tập trung quân đội bất thường. Trước đây, Nga từng sẵn sàng sử dụng năng lực quân sự của mình để thực hiện các hoạt động khiêu khích với Ukraine", Tổng thư ký Stoltenberg cho biết.
Trong khi đó, Belarus - một đồng minh thân cận của Nga - cho biết tuyên bố của EU về việc nước này châm ngòi cho cuộc khủng hoảng người di cư ở khu vực biên giới là "vô lý".
Belarus và Nga đều đã nhiều lần phủ nhận liên quan đến vụ việc.
Ngày 15/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc Belarus đang gây nên cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới với Ba Lan để đánh lạc hướng sự chú ý của các nước khỏi “hành động của Nga ở biên giới với Ukraine” là không chính xác.
Người phát ngôn Peskov lưu ý  thêm rằng việc đổ lỗi cho Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko về cuộc khủng hoảng di cư là hoàn toàn sai trái, trong khi không quốc gia nào quan tâm đến số phận của hàng nghìn người tị nạn đang phải chịu giá rét ở biên giới gần một tuần nay.
Trong một diễn biến liên quan, ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại thông báo ngoại trưởng các nước thành viên EU ngày 15/11 đã nhất trí về vòng trừng phạt thứ 5 đối với Belarus liên quan cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới nước này với Ba Lan.
Phát biểu với báo giới tại Brussels sau cuộc họp với ngoại trưởng  các nước EU, ông Borrell nêu rõ các biện pháp trừng phạt sẽ tác động tới các cá nhân và các công ty. Theo ông Borrell, các ngoại trưởng đã nhất trí mở rộng phạm vi trừng phạt và đầu tháng 12 tới có thể sẽ thông qua lần cuối các biện pháp trừng phạt. 
EU cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong khối này nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này.
Trong khi đó, phía Belarus luôn bác bỏ, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về những diễn biến này vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh.
Nhà lãnh đạo Belarus nói rằng chính quyền Minsk đang thuyết phục người di cư trở về nhưng không hiệu quả. Tổng thống Lukashenko khẳng định Minsk sẽ trả đũa bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của EU.
Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Latvia, Litva và Ba Lan đã trở nên căng thẳng vào ngày 8/11. Vài nghìn người từ phía Belarus đến biên giới Ba Lan và không rời khỏi khu vực biên giới, một số người trong số họ đã cố gắng lọt vào lãnh thổ của Ba Lan, phá vỡ hàng rào thép gai. Ít nhất 8 người đã thiệt mạng vì lạnh và kiệt sức trên 200 km biên giới trên bộ giữa Ba Lan và Belarus.
Trong một động thái khác, Latvia, một thành viên EU, đã triển khai 3.000 binh sỹ tham gia cuộc tập trận bất ngờ gần biên giới với Belarus vào cuối tuần qua. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks, nước này không thể loại trừ khả năng một phần của những nhóm di cư sẽ di chuyển xa hơn về phía Bắc và có thể đến biên giới Latvia. Do đó, quốc gia châu Âu này cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.