EU đa dạng nguồn cung khí đốt, Gazprom gặp khó

Chia sẻ Zalo

KITĐT - Các chuyên gia nhận định trong những năm tới châu Âu chưa thể tránh được sự phụ thuộc vào Nga về khí đốt.

KITĐT - Các chuyên gia nhận định trong những năm tới châu Âu chưa thể tránh được sự phụ thuộc vào Nga về khí đốt. Tuy nhiên, Gazprom sẽ buộc phải cạnh tranh tại thị trường châu Âu cả về khối lượng cũng như giá cung cấp khí đốt.

Báo Độc lập (Nga) ngày 7/2 đăng bài viết bình luận về việc Liên minh châu Âu (EU) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng mới ở châu Âu để tiến tới đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí đốt, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga.

Theo bài báo, cuối tuần qua, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) tổ chức ở Brussels, Bỉ, Thủ tướng Litva Andrius Kubinlius đã tuyên bố sự đoàn kết và lập trường tích cực của toàn thể châu Âu sẽ giúp ngăn chặn chính sách không nhất quán mà Gazprom thực hiện đối với Litva.

Các chuyên gia nhận định trong những năm tới châu Âu chưa thể tránh được sự phụ thuộc vào Nga về khí đốt. Tuy nhiên, Gazprom sẽ buộc phải cạnh tranh tại thị trường châu Âu cả về khối lượng cũng như giá cung cấp khí đốt.

Thủ tướng Litva Kubinlius tin rằng lập trường tích cực và đoàn kết của tất cả các nước EU sẽ bảo đảm cho một thị trường năng lượng thống nhất, liên kết với nhau, tự do và an toàn ở châu Âu.

Ông tuyên bố hôm 4/2: “Sự đoàn kết của châu Âu không phải là sự phản ứng thụ động, mà phải trở thành chính sách tích cực, đặc biệt đối với các tập đoàn độc quyền, chẳng hạn như Gazprom, khiến cuối cùng các tập đoàn này phải chấp nhận các điều kiện cạnh tranh trên thị trường.”

Việc ban lãnh đạo Litva khởi xướng, nêu ra các đòi hỏi đối với Gazprom không có gì đáng ngạc nhiên. Hiện nay, Litva coi mình là nạn nhân của những điều kiện cung cấp khí đốt. Từ ngày 25/1, Bộ Năng lượng nước này đã gửi khiếu nại tới Ủy ban châu Âu yêu cầu cơ quan này tiến hành điều tra “sự lạm dụng” thế độc quyền trên thị trường của Gazprom.

Tại Hội nghị thượng đỉnh của EU, người ta khẳng định rằng chiến lược năng lượng thống nhất của EU cho giai đoạn đến năm 2020 buộc các nước thành viên phải đầu tư 1.000 tỷ euro. Đây là khoản tiền lớn mà EU định đầu tư để xây dựng hạ tầng năng lượng mới ở bên trong và ngoài châu Âu để phát triển các nguồn cung cấp và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tạo ra một thị trường năng lượng thống nhất và giảm bớt vai trò thống trị của các tập đoàn năng lượng khổng lồ nhằm mục đích nâng cao sự cạnh tranh.

Các nhà phân tích châu Âu nhận định giải pháp này sẽ cho phép EU giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga và các nước Trung Đông. Nhưng liệu giải pháp này có làm thay đổi được tình hình một cách căn bản.

Theo các chuyên gia Nga, những thời kỳ khó khăn đang chờ đợi Gazprom. Tuy nhiên, nói về cuộc chiến giữa tập đoàn này và EU phải chăng là hơi sớm.

Mikhain Krutikhin, chuyên gia phân tích dầu khí, nhận định: “Với Litva, tất cả mọi người đều hiểu rằng nước này phải trả tiền khí đốt của Nga cao hơn các nước láng giềng. Trong quý I, Litva phải trả 360 USD/một nghìn mét khối, trong khi Estonia trả 308 USD/một nghìn mét khối. Đối với Litva, đây là những hậu quả xấu của sự bất hòa. Và nước này sẽ tiếp tục gây áp lực nhằm thiết lập sự kiểm soát của mình đối với các hệ thống phân phối khí đốt.”

Tuy nhiên, vấn đề còn ở chỗ ngoài Gazprom, Litva còn phải giải quyết vấn đề với các tập đoàn của Đức nữa.

Còn về chiến lược năng lượng thống nhất, theo ông Krutikhin, thì hoàn toàn có thể thực hiện.

Ông nói: “Điều quan trọng trong chiến lược này là tạo ra sự liên kết giữa các nước thành viên Liên minh, trong trường hợp xuất hiện tình trạng khủng hoảng giữa các nước này. Tuy nhiên, tôi không cho rằng EU đang chuẩn bị cuộc chiến với Gazprom. Thứ nhất, châu Âu còn phụ thuộc rất lâu vào khí đốt của Nga và Gazprom vẫn sẽ duy trì tỷ lệ cung cấp khí đốt cho châu Âu ở mức 25%. Nhưng các bên sẽ thỏa thuận với nhau về khối lượng cung cấp và mức giá theo đề nghị của EU. Hiện Gazprom đã nhượng bộ. Lấy các số liệu năm 2010: Gazprom đã giảm 0,6% khối lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu, trong khi nhu cầu khí đốt ở châu Âu lại tăng lên 6-8%. Có nghĩa là châu Âu đã tìm được các nguồn cung khác. Đó là nguồn cung từ Qatar, thậm chí là Mỹ, những nước sẵn sàng xuất khẩu khí đốt giá rẻ. Như vậy, người châu Âu đã có những công cụ để gây áp lực.”

Ông Sergey Provasudov, Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia, nhận định rằng hiện nay Gazprom cũng như Tập đoàn E.ON của Đức, có thể sẽ mất đi các nguồn đầu tư vào Litva. Tuy nhiên, hiện vấn đề này còn chưa được ngã ngũ. Còn về triển vọng trong thời gian tới, Gazprom chẳng có gì phải lo ngại: nhu cầu về khí đốt ở châu Âu đang tăng lên và sẽ tiếp tục tăng lên, trong khi đó những nhà cung cấp mới lại không tăng lên.

Ông Provasudov nói: “Những hy vọng vào nguồn khí đốt chiết xuất từ đá diệp thạch và sự khai thác mạnh mẽ nguồn khí đốt này hiện nay chưa được khẳng định rõ ràng."

Khí đốt của Iran có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới vị thế của Gazprom nếu Iran tham gia cung cấp khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, xét tới sự trừng phạt và lập trường không khoan nhượng của Mỹ đối với Tehran, thì hiện nay không thể trông đợi vào nguồn cung khí đốt từ Iran./.